Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Cập nhật 24/11/2021, 19:11:43

Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi” – đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức trong ngày hôm nay (24/11) tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai sau Hội nghị lần thứ Nhất được tổ chức cách đây 75 năm (vào năm 1946) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới điểm cầu ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tại tỉnh Gia Lai, Hội nghị được truyền tới điểm cầu tại Hội trường 19/5 ở TP.Pleiku, điểm cầu tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và điểm cầu ở các địa phương cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.

       

 Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Báo cáo về kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương và đại biểu trí thức, nhà khoa học và đại biểu văn nghệ sĩ trình bày tại Hội nghị đã khẳng định:  Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với chính trị, kinh tế, xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong đó, Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường; hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được quan tâm, đầu tư hoàn thiện; việc xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ được thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội… Nhờ đó, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại; văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc cũng không còn. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cấp đến vấn đề phải phát triển văn hóa, văn dân tộc. Trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Hội nghị Văn hoá toàn quốc hôm nay là dịp rất quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hoá, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hoá là một phạm trù rất rộng song dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ  về một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hoá trong thời gian vừa qua.

Tại tỉnh Gia Lai, Hội nghị được truyền tới điểm cầu tại Hội trường 19/5 ở TP.Pleiku, điểm cầu tại Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và điểm cầu ở các địa phương cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập và yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: Phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam,… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Phần cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau Hội nghị này, công tác văn hoá của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ tin tưởng với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc Anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Trong buổi chiều ngày hôm nay, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được nghe nhiều tham luận về cách thức tổ chức, triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội./.

 Đức Hải, R’Piên, Thanh Sáng


Lượt xem: 44

Trả lời