Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT

Cập nhật 08/5/2019, 08:05:59

Sáng  (7/5), UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Kpă Thuyên- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, bình quân trên 5,5%/năm. Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đảm bảo đúng hướng, nông- lâm nghiệp- thủy sản chiếm 38,18% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, trong đó, bình quân mỗi xã đạt được 12,97 tiêu chí, đã có 61/184 xã đạt chuẩn NTM. Ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn (2016-2020) đạt 5,57%… Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, thảo luận nhiều tồn tại, khó khăn trong tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như tình hình sản xuất, giá cả nhiều cây trồng chủ lực của tỉnh bị xuống thấp, việc chế biến sản phẩm nông nghiệp còn yếu và thiếu…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh và đề nghị Sở NN&PTNT cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành địa phương để phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện hơn thực trạng của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hơi về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, phải xác định được các loại cây trồng chủ lực của tỉnh cũng như giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây trồng này lên. Đồng thời, cũng cần chú trọng về các chính sách nghiên cứu khoa học, đào tạo lao động nông thôn, tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trong xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần chú trọng sản xuất liên kết vùng./.

Ngô Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 19

Trả lời