Hội LHPN huyện Kong Chro nỗ lực gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Cập nhật 01/4/2023, 07:04:33

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 106 Câu lạc bộ dệt thổ cẩm với gần 2.000 thành viên. Trong đó tập trung ở các huyện: Kông Chro, Chư Pah, Phú Thiện và TP. Pleiku… Số lượng Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ngày càng tăng đã khẳng định được vai trò của phụ nữ Gia Lai, đặc biệt là phụ nữ DTTS trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong Chương trình Chào ngày mới hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu câu chuyện về nỗ lực gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của chị em phụ nữ Hội LHPN huyện Kông Chro – một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn huyện Kông Chro có 83 Câu lạc bộ dệt thổ cẩm, với gần 1.600 thành viên là chị em phụ nữ người Bahnar, đều có ở 14/14 xã, thị trấn trong huyện. Tất cả thành viên các Câu lạc bộ đều đã biết dệt thành thạo các sản phẩm áo, váy với hoa văn, họa tiết truyền thống, đơn giản nhưng đặc sắc. Thành quả ấn tượng này bắt nguồn từ lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm đầu tiên trên địa bàn huyện do Hội LHPN thị trấn Kông Chro tổ chức vào năm 2015. Lớp học có 90 chị em người Bahnar tham gia. Thuận lợi hơn đối với lớp học là chị em được sự dẫn dắt của bà Đinh Thị Drinh – Nghệ nhân ưu tú, cả đời tâm huyết với thổ cẩm truyền thống của người Bahnar. Lớp học như một ngọn lửa hun đúc tình yêu của chị em Bahnar đối với bản sắc văn hóa, trang phục dân tộc mình đang bị mai một. Và từ 90 học viên tham gia lớp học dệt thổ cẩm này, Hội LHPN huyện đã quyết định thành lập và ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm đầu tiên trên địa bàn huyện Kông Chro. Qua hơn 8 năm, các lớp học, các tổ hội, các câu lạc bộ trên địa bàn cứ thế được nhân lên.

Bà Đinh Thị Drinh – Nghệ nhân ưu tú – Tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro chai sẻ: “Trong làng trong xóm, mấy đứa nhỏ đứa nào thích là tôi dạy. Đôi khi nghe tôi làm được cái nghề này, các làng khác cũng đến, thì tôi cũng dạy cho. Bắt đầu từ 2005 thì tôi đã đi dạy ở các xã, các làng khác. Nói chung cái nghề này là tôi rất thích, tôi muốn giữ gìn cái nghề và truyền cho lớp trẻ để chúng nó biết và gìn giữ cái nét văn hóa của người Bana mình.”

Chị Đinh Thị Lãi – Tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro bày tỏ: “Em thấy nghề truyền thống của mình nó đẹp nên em rất thích thú, học hỏi em thấy yêu nghề này và muốn theo nghề.”

Điều đáng quý là ở một số câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại Kông Chro, thay vì mua sợi chỉ, sợi len bán sẵn, chị em người Bahnar nơi đây vẫn chịu khó đi lấy bông về phơi, lựa se thành sợi,  rồi muốn mầu gì thì ngâm với một số lá cây, củ, quả rừng và than, đá, vỏ ốc suối… để tạo màu sắc. Chính vì vậy, những hoa văn trên từng tấm thổ cẩm có tông màu rất đẹp và khác biệt. Bên cạnh đó, để hỗ trợ chị em mua nguyên liệu cũng như an tâm gắn bó với nghề, các chi hội phụ nữ ở các làng vận động hội viên góp, đổi công để hỗ trợ nhau làm kinh tế, từ đó có nguồn kinh phí xây dựng quỹ. Nhờ đó, ai cũng phấn khởi, nỗ lực hết mình, để vừa chung tay giữ gìn nghề thống, vừa phát triển đời sống gia đình. Đến nay, có câu lạc bộ đã dệt, may được hơn 500 bộ đồ truyền thống cả nam và nữ. Các sản phẩm được chị em sử dụng trong sinh hoạt Chi hội, các ngày lễ, ngày hội, các sự kiện…thì rất nhiều sản phẩm đã tham gia các gian hàng và đến tay người tiêu dùng cả nước.

Bà Đinh Thị Toại – Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro trao đổi: “Toàn huyện hiện nay có hơn 6000 chị em người Bahnar biết dệt. Tuy nhiên, trước giờ sản phẩm dệt thổ cẩm của chị em chủ yếu là váy, áo phục vụ cho ngày lễ hội của chị em. Hiện tại cũng chủ yếu là sản phẩm truyền thống . Nên cũng mong muốn có thị trường để chị em dệt thêm những sản phẩm thương mại như khăn, túi xách…để nâng cao thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, nghề dệt thổ cẩm không chỉ mang đặc trưng giá trị văn hóa truyền thống mà còn thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc khai thác và phát huy nghề dệt thổ cẩm theo hướng phát triển du lịch của các Câu lạc bộ dệt thổ cẩm hiện nay là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả kép, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần quan trọng lưu giữ những giá trị, nét đẹp của văn hoá truyền thống để các thế hệ sau sẽ mãi được lớn lên trong môi trường mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mình./.

Trương Trang – Minh Trung


Lượt xem: 16

Trả lời