Hoàng Văn Thuật, người nông dân đi đầu trong mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng.

Cập nhật 01/3/2018, 16:03:33

Những năm gần đây huyện Kbang đã triển khai nhiều cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với thực tế tại địa phương. Trồng rừng kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng ở xã Tơ Tung là một trong những mô hình đạt hiệu quả. Góp phần vào thành công của mô hình này, có sự đóng góp không nhỏ của người tiên phong đi đầu là gia đình anh Hoàng Văn Thuật.

Làng Đầm, xã Tơ Tung, huyện Kbang, hơn 6 năm trước gần 80% hộ dân ở đây thuộc diện đói và nghèo. Năm 2013, xã vận động bà con chuyển đổi từ cây lúa rẫy một vụ sang trồng rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, để nâng cao thu nhập kinh tế gia đình cho người dân. Chính quyền, cán bộ mặt trận các cấp hướng dẫn bà con vay vốn và cách làm ăn, gia đình anh Hoàng Văn Thuật, dân tộc Tày là hộ đầu tiên tham gia thực hiện. Sau hơn 3 năm kiên trì với mô hình, anh Thuật đã có 5ha đất rẫy trồng keo và bạch đàn kết hợp với chăn nuôi dê số lượng lớn. Năm 2016 anh đã xuất lứa dê đầu tiên với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Thuật, làng Đầm, xã Tơ Tung, huyện Kbang cho biết: “Địa hình ở đây thì đồi núi nhiều thích hợp nuôi con dê và mình kết hợp với trồng cây, dưới tán cây có cỏ dê nó ăn và mình không phải chăm sóc trông coi nhiều, 3 đến 5 ngày mình lên cũng được. Về lâu dài khoảng 10 năm nữa thì mình bán cây cũng được hơn cả trăm triệu”.

Thành công bước đầu của nông dân trẻ Hoàng Văn Thuật nhanh chóng tạo được sự quan tâm của nhiều người về mô hình mới. Nhiều gia đình là hộ nghèo, nhất là các đôi vợ chồng trẻ tuổi người dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả trên chính mảnh đất của gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Chị Đinh Thị San, làng Đầm, xã Tơ Tung, huyện Kbang cho biết: “Vợ chồng trẻ cũng khó khăn, thấy anh Thuật làm ăn được, mình học làm theo. Vợ chồng đi vay vốn ngân hàng, trồng cây keo, mua thêm dê, thêm bò để nuôi, với mong muốn là thoát nghèo”.

Mô hình trồng rừng và chăn nuôi dưới tán rừng đã đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng tại địa phương. Điều đáng ghi nhận đó là, mô hình kinh tế của anh Hoàng Văn Thuật giờ đã trở thành lớp học kinh nghiệm thực tế hữu ích mà chính anh Thuật đứng lớp trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn cho nhiều bà con nông dân ở địa phương học tập, làm theo. /.

Ngọc Ánh, Piên

 

       


Lượt xem: 112

Trả lời