Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gà, vịt thả vườn ở xã Ayun, huyện Chư Sê

Cập nhật 02/7/2017, 16:07:41

Tìm mua những thực phẩm gia súc, gia cầm được nuôi theo kiểu chăn thả hiện là một trong những xu hướng tiêu dùng được nhiều người, nhiều gia đình lựa chọn. Nắm bắt tâm lý này, gần 2 năm nay, ông Phùng Văn Hào đã tận dụng lợi thế địa hình đồi dốc và mặt nước của sông Ayun, huyện Chư Sê để phát triển chăn nuôi gà, vịt thả vườn. Bên cạnh đầu ra, lợi nhuận thu được cao hơn so với các loại gà, vịt nuôi theo kiểu công nghiệp thì mô hình chăn nuôi này của ông được xem là triển vọng để bà con người DTTS ở xã đặc biệt khó khăn Ayun có thể học hỏi, làm theo.

Từ 200 con vịt giống Bắc Giang, đến nay ông Phùng Văn Hào đã chủ động được con giống và gây dựng được đàn vịt với hơn 3.000 con. Bên cạnh khai thác diện tích mặt nước của sông Ayun để chăn thả vịt, gia đình ông còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có để làm nguồn thức ăn chăn nuôi.

Ông Phùng Văn Hào-Làng Hwak, xã Ayun, huyện Chư Sê chia sẻ “Ở đây có mặt nước nên cá tự nhiên nhiều, mình đánh cá tự nhiên cho vịt ăn nên chất lượng vịt cao, mình phụ thêm bắp, lúa vì nguồn lúa, bắp ở đây nhiều. Rừng còn rộng nên mình thả rông nên chất lượng ngon. “

Trang trại chăn nuôi của ông Hào có tổng diện tích 10ha với địa thế đất đồi núi và hồ nước tự nhiên. Ưu thế về địa hình như vậy nên ngoài vịt, ông còn chăn nuôi gà thả vườn với quy mô hơn 1.500 con. Trang trại của ông được xem là khép kín từ nguồn thức ăn chăn nuôi đến con giống. Bởi gia đình ông chủ động trồng bắp, lúa để làm thức ăn cho gà, vịt, đồng thời chủ động ấp, sản xuất con giống để nuôi. Nhờ vậy đã góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí chăn nuôi, đồng thời nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm và nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.

Ông Phùng Văn Hào-Làng Hwak, xã Ayun, huyện Chư Sê cho biết “Sắp tới muốn phát triển thêm, làm sao có 5.000-7.000 con vịt, gà cũng tính nuôi 5.000-7.000 con. Tương lai phát triển thành trang trại vì đầu ra của mình cũng ổn định, dân tình cũng tin tưởng vào chất lượng con gà, con vịt của mình nữa. Mình cũng tận dụng được 4-5 nhân công ở các làng, người ta làm giúp mình, mình trả công cho người ta.  “

Ông Siu Blí-PCT UBND xã Ayun, huyện Chư Sê cho biết “Mô hình của anh Hào rất có hiệu quả, tạo việc làm cho bà con nơi đây từ 3 đến 5 người, mỗi tháng lương từ 3 triệu đồng/người. Trong thời gian tới, xã tuyên truyền đối với người dân để học hỏi, các chi hội nông dân thôn, làng đến thăm mô hình. Ayun là vùng sâu, vùng xa đất đai còn rộng nên chúng ta tận dụng để đưa nhân dân học hỏi, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.”

Với gần 98% dân số là người DTTS, chăn nuôi được xem là phù hợp với khả năng lao động của người dân xã Ayun, huyện Chư Sê. Việc phát triển chăn nuôi gia cầm theo kiểu thả vườn trong các hộ gia đình không chỉ góp phần giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà con góp phần khai thác lợi thế về địa hình đồi núi và sông nước của xã vùng khó này, qua đó góp phần đưa Ayun sớm thoát khỏi xã nghèo./.

Thiên Thanh – R’Piên


Lượt xem: 292

Trả lời