HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI tổ chức Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề)

Cập nhật 17/6/2021, 17:06:17

Như thông tin đã đưa, sáng nay (17/6), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã tổ chức Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) để xem xét, quyết định thông qua 84 Tờ trình của UBND tỉnh về triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Gia Lai lần thứ hai. Tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.
Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của 83 dự án do UBND tỉnh trình. Các dự án trình HĐND tỉnh tại kỳ họp lần này đều rất quan trọng một số dự án sẽ là điểm nhấn, là công trình trọng điểm, quan trọng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của của tỉnh, nhiều dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến về Kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Gia Lai (lần thứ hai). Với khối lượng công việc của Kỳ họp là rất lớn, do đó, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề, dự án được nêu ra qua các Tờ trình của UBND tỉnh để Kỳ họp đạt kết quả và thành công tốt đẹp.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Với trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân trước cử tri, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự Kỳ họp trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 09/11/2020 để xem xét trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan trong thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm đối với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, để HĐND tỉnh xác định những chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn phát huy hiệu quả nguồn vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025 vì sự phát triển của tỉnh, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri tỉnh nhà và góp phần quan trọng để Kỳ họp thành công tốt đẹp.”

Tiếp đó, thay mặt UBND tỉnh, UVBTV Tỉnh ủy-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã trình bày danh mục 84 dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Đại diện Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình tại Kỳ họp.

Theo Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư công và kế hoạch, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Gia Lai (lần thứ hai), Thường trực HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với Báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh lưu ý làm rõ thêm đối với 8 dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bao gồm: Dự án Đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Nâng cao năng lực PCCC rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Dự án Đầu tư xây dựng phục vụ quản lý bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; Dự án Xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi; Dự án Trụ sở HĐND-UBND TP.Pleiku và Dự án Xây dựng hệ thống E-Learning (học trực tuyến); Dự án Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia Lai; Dự án Trung tâm y tế huyện Kbang và Dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI: Tập trung thảo luận, quyết nghị nhiều dự án quan trọng 

Trên cơ sở Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đối với 8 dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và đại diện các sở, ngành của tỉnh và TP.Pleiku đã báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề được nêu ra. Trong đó, tập trung vào 2 dự án đó là: Dự án Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia LaiDự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Lý giải kiến nghị qua thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh về việc diện tích xây dựng Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia Lai trên mặt bằng Kho Cục dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên cũ là nhỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Theo báo cáo, khu đất này có diện tích 5.500 m2 song qua thực tế đo đạc là 7.700 m2. Sau khi có chủ trương đầu tư thì UBND tỉnh sẽ kiến nghị để thu hồi diện tích đất này. Theo đồng chí Võ Ngọc Thành, với diện tích như trên là tương đối phù hợp để triển khai giai đoạn đầu và khi triển khai giai đoạn tiếp theo thì tỉnh sẽ có những điều chỉnh và tính toán trong việc thu hồi thêm diện tích đất của Trường THCS Nguyễn Huệ (cơ sở 2) và Khu Chung cư Lê Lợi để xây dựng công trình trở thành một tổng thể hài hòa với Quảng trường Đại Đoàn kết và trở thành điểm nhấn của tỉnh.

Đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại kỳ họp

Đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu:Riêng đối với Nhà hát với quy mô gần 1ha thì tôi cho rằng không phải là nhỏ mà nó gắn chặt với Quảng trường như thế cho nên chúng ta tận dụng hết kiến trúc xung quanh để chúng ta tạo ra điểm nhấn của Nhà hát chứ không phải Nhà hát này đứng độc lập. Thứ hai nữa là đề nghị thu hồi lại đất của trường THCS Nguyễn Huệ (cơ sở 2) thì hết sức phải cân nhắc; và chúng tôi đề nghị với Trường học thì giữ nguyên đó, riêng chung cư thì thì tỉnh đang kêu gọi một dự án đầu tư nhà ở xã hội thì chúng tôi sẽ cân nhắc để tháo dời khu chung cư này. Trong quá trình tháo dời thì chúng ta sẽ bố trí xây dựng các hạng mục khác và trong thiết kế thì Nhà hát chính vẫn là nằm ở Kho lưu trữ còn các hạng mục phụ thì chúng ta sẽ thiết kế mặt bằng tổng thể và thiết kế các hạng mục ở trong khu vực này một cách đầy đủ. Và sau khi xây dựng Nhà hát xong thì những hạng mục này chúng ta sẽ bố trí trong các giai đoạn tiếp theo.”

Đại diện các sở, ngành liên quan cũng đã giải trình làm rõ thêm các kiến nghị của Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh về vấn đề Dự án Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia Lai trên mặt bằng Kho Cục dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và cập nhật, bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai phát biểu: “Trong tổng thể mặt bằng có gửi qua Ban Kinh tế – Ngân sách thì chúng tôi đã vẽ mặt bằng sơ bộ vì cái này còn phải thi tuyển thiết kế và còn nhiều vấn đề mà sau này chúng ta sẽ giải quyết. Về cơ bản thì tôi đề nghị các đại biểu cho chủ trương để rồi trong quá trình triển khai thực hiện thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định.”

Ông Đỗ Việt Hưng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai nêu: “Về mặt quy hoạch thì trong quy hoạch chung của TP.Pleiku thì chúng ta đã thể hiện được quy hoạch chung của khu vực này là quỹ đất giành cho xây dựng công trình văn hóa nên về mặt xây đựng là vị trí xây dựng nó phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt. Còn về tiêu chuẩn, định mức diện tích, chính vì Nhà hát là công trình chính trong tổ hợp này cho nên thì cơ quan đề xuất đầu tư cũng căn cứ vào các quy chuẩn liên quan để xác định được diện tích. Và với quy mô như hiện nay tại Kho lưu trữ thì chúng ta đã có quỹ đất để thực hiện công trình này theo đúng quy chuẩn.”

Đối với Dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku, với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Qua thẩm tra, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị dự án này có giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng trên 70% tổng vốn đầu tư với 90 tỷ đồng nên đề nghị UBND tỉnh nên giao cho UBND TP.Pleiku làm chủ đầu tư dự án. Tại phần thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng nêu rõ: Đây là công trình quan trọng, cửa ngõ của tỉnh, của TP.Pleiku và là điểm kết nối giao thông quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành ở Trung ương, do đó UBND tỉnh mới giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, còn việc giải phóng mặt bằng thì do địa phương chịu trách nhiệm. Vấn đề này cũng nhận được sự đồng thuận của TP.Pleiku.

Đồng chí Võ Ngọc Thành – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu: “Về quan điểm thì tỉnh đã phân cấp cho các địa phương và các Ban quản lý và tỉnh không đứng ra làm chủ đầu tư bất cứ một dự án nào nhưng mà giao cho đúng người, đúng việc, đúng chức năng cho các cơ quan phát huy trách nhiệm của mình để làm sao biến nơi này thành trục cảnh quan đẹp nhất khi vào thành phố này. Quan điểm là thế nên mới giao lại cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh và Sở Giao thông – Vận tải và sở Xây dựng và TP.Pleiku phải có trách nhiệm trong việc này và gắn với các bộ, ngành Trung ương.”

Đồng chí Trịnh Duy Thuân – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku phát biểu:Đúng như tinh thần mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có nói thì dù cho Trung ương làm hay tỉnh làm hoặc TP làm thì phần giải tỏa, bồi thường là TP phải thực hiện. Và trên tinh thần của việc phân cấp nhiệm vụ thì giao cho Ban quản lý dự án của tỉnh hay TP thì cái đó tùy chứ chúng tôi cũng không yêu cầu là giao cho TP thực hiện vì chúng tôi cũng ý thức được rằng đây là cửa ngõ của tỉnh của TP  rất là quan trọng và nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cho nên tỉnh cân nhắc, HĐND tỉnh cân nhắc giao cho các cơ quan, đơn vị phù hợp để triển khai. TP chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp, hỗ trợ để thực hiện.”

Qua nghe ý kiến thảo luận và giải trình của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, Chủ tọa Kỳ họp và các đại biểu đã thống nhất thông qua chủ trương cho đầu tư dự án Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia Lai; đồng thời, thống nhất giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư Dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku. Còn lại 6 dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được nêu ra trong Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, thì 100% đại biểu đã biểu quyết thống nhất như thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh.

Trên cơ sở thảo luận và làm rõ thêm các vấn đề được nêu ra, Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XI đã biểu quyết thông qua 83 nghị quyết về chủ trương đầu tư của 82 dự án và Nghị quyết cho ý kiến về Kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Gia Lai (lần thứ hai). Riêng đối với dự án Trụ sở HĐND-UBND TP.Pleiku đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND thành phố thực hiện các thủ tục theo quy định để phê duyệt dự án.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh:Sau kỳ họp này, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp hoàn thiện dự kiến kế hoạch báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đúng quy định; tiếp tục rà soát, điều chỉnh sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đảm bảo tính thực thi và đạt hiệu quả cao nhất. Đối với các đơn vị được giao là cơ quan quản lý dự án, Chủ đầu tư cần sớm khởi động những công việc cần làm, nhất là các dự án sẽ được khởi công trong năm 2022, các dự án có hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, các dự án, công trình có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân cần phải lấy ý kiến tham gia của các tầng lớp Nhân dân,… để đảm bảo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện dự án.”

Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) HĐND tỉnh khoá XI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Đây là Kỳ họp cuối cùng của HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021./.

Đức Hải – R’Piên – Huy Toàn


Lượt xem: 53

Trả lời