“Hạt ngọc trời” trên đất Gia Lai

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:38

Bao đời nay, cây lúa luôn gắn liền với đời sống của người nông dân. Tuy sản lượng lúa không thể so sánh như ở những vùng đồng bằng, nhưng với nhiều nông dân ở vùng khó trong tỉnh Gia Lai luôn tự hào bởi điều kiện, khí hậu của vùng đất quê hương khá ưu ái để cây lúa sinh trưởng, phát triển và có những giống lúa làm nên thương hiệu, được mệnh danh là ‘Hạt ngọc trời’. Để tạo đà phát triển cho sản phẩm, các địa phương, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã đồng hành cùng nông dân lan tỏa giá trị lúa, gạo.

J02 là giống lúa thuộc dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản, sinh trưởng và phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Giống lúa này ít sâu bệnh, chống chịu hạn tốt và cho năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha/vụ. Sản phẩm gạo A Sanh từ giống lúa J02 thơm ngon tự nhiên, vị đậm ngọt, ăn ngon, hạt cơm mềm dẻo và không bị cứng khi để nguội so với gạo địa phương. Hiệu quả từ sản suất lúa giống J02 không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân mà từng bước nâng giá trị kinh tế của hạt gạo, đưa hạt gạo đặc sản A Sanh tiếp cận phân khúc hàng hóa chất lượng cao ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ông Ksor Tư – Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr, huyện Ia Grai chia sẻ: “Từ khi sản phẩm ra thị trường, Tổ liên kết đã thu mua giá cao hơn thị trường nói chung cũng liên kết và hỗ trợ cho người dân. Nhà nước hỗ trợ phân bón, một số mô hình như là được hỗ trợ của phòng nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng thường xuyên hướng dẫn cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số rất chi là tốt. Ngoài mục đích đó thì hiện tại dân không chỉ làm lúa mà ăn mà họ đã nhìn nhận được làm lúa để tạo ra thương phẩm.”

Cũng làm nên thương hiệu trên thị trường với những giống lúa đặc trưng như LH12, TPR225, JO2, Gạo Phú Thiện đã và đang phát triển mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Với lợi thế của địa phương là hệ thống sông suối, kênh mương thủy lợi phong phú, đa dạng, chủ động được nguồn nước nên khá thuận lợi cho bà con sản xuất lúa nước 2 vụ. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để xây dựng cánh đồng lớn. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị để cung ứng các loại giống và thực hiện chế biến, bao tiêu, giải quyết đầu ra sản phẩm lúa gạo cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện nói: “Đối với Gạo Phú Thiện do hợp tác xã Chư A Thai, năm 2019, hợp tác xã đã đưa vào chương trình khảo nghiệm “3 giảm, 3 tăng”, sau đó là VietGAP, diện tích từ 40 ha, đến nay 100 ha. Trong thời gian vừa qua thì hợp tác xã ký kết với VNPT để thực hiện tem truy xuất nguồn gốc. Tôi nghĩ sau khi chạy phần app mã số mã vạch quốc gia, tôi nghĩ Gạo của Phú Thiện sẽ có tiếng trên tỉnh và các tỉnh trên cả nước và trong thời gian tới sẽ vươn xa hơn.”

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm gạo như: Gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang; gạo Ia Lâu của huyện Chư Prông; Gạo Phú Thiện của huyện Phú Thiện và gạo A Sanh của huyện Ia Grai. Việc xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Qua đó, giúp người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập ổn định hơn.

Ông Myếck – Làng Tơ Bla, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang cho biết: “Lúa địa phương mình, mình làm bắt đầu từ tháng 2 mình cắt rơm, cắt rơm xong mình bở,  bắt đầu tháng 4 là mình chọi bằng cây, nay có máy kéo. Tháng 4, 5,6  mình cho nước vào ruộng, có cỏ mình làm cho sạch sẽ cho lúa tốt đẹp. Mình cắt theo hợp tác xã, còn bán ngoài quán thì rẻ rẻ một tí, hợp tác xã mua phải hơn, mua 7 ngàn rưỡi hoặc 8 ngàn, dân cũng đỡ một tí. Mình làm đa số để dành cho mình ăn, một, hai bao mình bán, trả cho mình mua phân, mua gì đó.”

Những giống lúa đặc trưng của vùng đất Gia Lai đã mang lại những giá trị riêng cho từng sản phẩm mà không phải nơi nào cũng có được. Đó chính món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Gia Lai.

Thúy Diện, Duy Linh , R’Piên


Lượt xem: 8

Trả lời