Hành trình trở về của những gia đình người DTTS vượt biên trái phép

Cập nhật 28/12/2016, 07:12:00

Sống thiếu thốn, cực khổ và vỡ mộng về viễn cảnh giàu sang, sung sướng mà không phải lao động vất vả khi vượt biên trái phép sang Campuchia để đi Mỹ. Đây là tình cảnh mà không ít người DTTS ở Tây Nguyên phải nếm trải trên đất khách quê người.

Câu chuyện về 2 vợ chồng ở xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đem theo cả gia đình vượt biên trái phép và vừa hồi hương về nước mới đây mà chúng tôi muốn chia sẻ đến quý vị và các bạn ngay sau đây là một trong những bài học đáng nhớ cho những ai nhẹ dạ, cả tin đang nuôi dưỡng ý định vượt biên trái phép với hy vọng có thể dễ dàng đổi đời trên đất khách , quê người.

 

28-12-trove

Vừa qua, tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) phối hợp với cơ quan chức năng Vương quốc Campuchia trao trả cho Việt Nam 13 người dân tộc thiểu số tại 3 huyện: Ia Grai, Đak Đoa và Chư Sê vượt biên trái phép. Trong số này có 2 gia đình gồm 10 người, trong đó có 2 cặp vợ chồng và 6 đứa con thơ ở làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê đã cùng vượt biên… Vì nhẹ dạ cả tin, năm 2015 những người này đã bán tài sản, từ bỏ buôn làng vượt biên trái phép sang Campuchia với hy vọng được đi Mỹ có cuộc sống giàu sang, sung sướng mà không phải lao động vất vả. Thế nhưng gần 2 năm sống chui lủi trong các khu nhà tạm bợ do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn bố trí, họ đã bị vỡ mộng…

Anh Siu Súit-Làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê cho biết: “Em tưởng đi tới Mỹ có tiền, nhà xây đẹp. Em đi tới Campuchia rồi, đồ ăn không có, gạo không có, cái gì cũng thiếu hết, con bị đau ốm không có thuốc, thiếu rất nhiều.  Cuối cùng được tỉnh, huyện đón em về em rất vui mừng, bây giờ em hứa không bao giờ đi nữa”.

Từng có cuộc sống, thu nhập ổn định trên quê hương với vườn rẫy, nhà cửa ổn định nhưng kể từ ngày cả gia đình gồm 6 người đi vượt biên, vườn rẫy, nhà cửa của gia đình chị Siu Hpuih cũng trở nên hoang tàn… Bài học đắt giá mà cả gia đình trải qua trên đất khách đã giúp gia đình chị thấm thía ra rằng: Không nơi đâu sung sướng bằng chính quê hương mình …

Dù là có lỗi với chính quyền địa phương, với dân làng nhưng hành trình xin hồi hương, trở về của gia đình chị và những người DTTS vượt biên trái phép khác luôn nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và sự rộng lòng thứ tha của bà con dân làng .

Chị Siu Hpuih-Làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê cho biết: “Vợ chồng mình và 4 đứa con vượt biên đi Campuchia. Giờ được Nhà nước tạo điều kiện cho mình về, gia đình cảm thấy rất vui. Giờ vợ chồng mình sẽ chịu khó làm ăn để lo cho con cái học hành”.

Ông Nay Lâm-PCT UBND xã Ia Ko, huyện Chư Sê nói: “Các cháu học từ lớp 2 đến lớp 4 nên chúng tôi làm việc với nhà trường để các cháu được học sớm, kịp tiến độ. Về phía gia đình, chúng tôi làm việc với Nông trường cà phê Ia Ko và Nông trường Cao su Ia Ko tạo điều kiện cho 2 hộ này vào làm công nhân. Chúng tôi xem lại các chính sách xã hội để tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ phân bón, thuốc men để cải thiện lại ruộng rẫy cà phê, lúa”.

Hồi hương và được chính quyền tạo điều kiện sinh sống, làm ăn trên quê hương đã giúp gia đình anh Siu Suit ở làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê và nhiều người DTTS từng vượt biên khác cảm nhận rõ hơn giá trị cuộc sống tự do, hạnh phúc mà mình đang được thụ hưởng trên đất nước Việt Nam. Nếu bản thân, gia đình  chịu khó làm ăn, họ cũng sẽ gây dựng lại kinh tế gia đình ổn định bởi bên họ luôn có sự đồng hành, sẻ chia giúp đỡ của dân làng và các cấp chính quyền./.

Thiên Thanh, Đặng Trà


Lượt xem: 75

Trả lời