Hà Tây bảo tồn văn hóa cồng chiêng Bahnar

Cập nhật 04/1/2017, 13:01:30

Cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống vật chất tinh thần của người dân tộc BahNar. Nhận thức được điều này, thời gian qua bà con dân tộc BahNar ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh đã luôn duy trì và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Phóng sự ghi nhận hoạt động ý nghĩa này:

Cồng chiêng gắn với đời sống của người dân tộc BahNar từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Họ biểu diễn cồng chiêng trong các buổi lễ truyền thống như “thổi tai”, cầu mưa, Mừng lúa mới, đám cưới… Để cồng chiêng luôn được bảo tồn và phát triển trong đời sống của người dân tộc BahNar, xã Hà Tây đã thường xuyên tổ chức các lễ hội; vận động các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đến nay, xã Hà Tây đã bảo tồn được 40 bộ cồng chiêng, với 9 làng đều có các đội cồng chiêng từ nhỏ đến lớn.

Anh Yyaih – Cán bộ Văn hóa xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết: “Để bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng của người Bahnar chúng tôi, xã Hà Tây hiện tại bây giờ xã có 9 làng, 9 đội người già và 9 đội người trẻ. Trong đó xã Hà Tây thường xuyên tập luyện cho mấy đứa nhỏ để giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng người Bahnar chúng tôi”.

          Nghệ nhân cồng chiêng Y Xô mặc dù chỉ mới 38 tuổi nhưng đã gắn bó với cồng chiêng rất lâu rồi. Anh đánh cồng chiêng thành thạo và thường xuyên được huyện, xã mời dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Việc truyền dạy tuy gặp nhiều khó khăn nhưng anh luôn nỗ lực, cố gắng để gìn giữ bản sắc dân tộc mình.

Anh Y Xô – Nghệ nhân cồng chiêng xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết: “Để giữ  gìn và bảo tồn văn hoá dân tộc thì tôi đã cố gắng huy động các em để truyền lại cho các em. Lúc đầu thì rất khó khăn vì tới thời điểm này cồng chiêng gần như là mai một rồi từ đó tôi mới nghĩ ra huy động các em. Lần đầu nó ít người tham gia, sau đó đưa lên 2 – 3 người biết gõ rồi biết đánh, mấy em đó mới truyền tay lại nhau sau đó mới đủ được 1 đội cồng chiêng. Sau đó tôi mới cho các em nghe cảm âm, lần đầu thì nó khó khăn nhưng để giữ gìn cái bản sắc đó mình tìm phương pháp để cho nó gõ được”.

          Hrul là một trong những thanh niên tích cực tham gia đánh cồng chiêng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar của xã Hà Tây. Em biết đánh cồng chiêng khi mới lên 8 tuổi.

Em Hrul – Làng Kon Măh, xã Hà Tây chia sẻ: “Khi tham gia đánh cồng chiêng thì em rất thích, rất vui, đối với em thì ở làng em hay tham gia với anh chị, người già đánh cồng chiêng như uống rượu mừng lúa mới. Và em cũng mong muốn mai mốt giữ gìn văn hóa cồng chiêng của xã, làng. Mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn và những đứa em mai sau cũng đánh cồng chiêng”.

          Một đội cồng chiêng hoàn chỉnh không thể thiếu những cô gái múa xoang uyển chuyên. Em Thok ở làng Kon Băh, xã Hà Tây đã thường xuyên tham gia múa xoang, đánh cồng chiêng cùng các đội cồng chiêng nam nữ trong làng.

          Em Thok – Làng Kon Băh, xã Hà Tây cũng nói: Người đồng bào dân tộc thiểu số thì cồng chiêng như một linh hồn của họ. Em tham gia cồng chiêng đã được 3 năm nay rồi. Và em thấy đó là phong tục rất tốt đẹp của người đồng bào. Em sẽ cố gắng phát huy để có thể giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó của mình.

Với đặc điểm 99% dân số trên địa bàn xã Hà Tây là người dân tộc BahNar, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng mỗi người dân, mỗi nghệ nhân cồng chiêng đều ý thức gìn giữ văn hoá cồng chiêng là việc làm quan trọng đối với đời sống tâm linh và tinh thần. Qua đó đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Diễm Ly – Bùi Đại


Lượt xem: 187

Trả lời