Hà Đông, Đak Đoa: Hôn nhân cận huyết đã giảm

Cập nhật 17/12/2018, 10:12:08

 Ngoài vấn đề làm thế nào để thoát nghèo như phóng sự vừa đề cập, hiện nay ở địa bàn nông thôn tình trạng tảo hôn cũng là vấn đề được cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể đặc biệt quan tâm và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.  Điển hình như ở xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, nhiều năm trước, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết  vẫn còn xảy ra. Thời gian qua, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy lùi tảo hôn, xóa bỏ hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Là một xã nằm xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại thuộc vào hàng khó khăn, cách trở nhất của huyện Đak Đoa, nên thanh niên nam nữ ở Hà Đông khá hạn chế trong việc giao lưu, kết bạn ở bên ngoài. Vì thế, bao nhiêu năm qua, thanh niên ở đây đều lấy vợ, lấy chồng là những người cùng làng, cùng xã. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn.

Theo báo cáo của chính quyền xã Hà Đông, 5 năm trở về trước, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Đáng tiếc nhất là đã có tình trạng, một số cặp đôi anh em cùng họ đòi lấy nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm dẫn đến bỏ làng đi, hoặc dẫn đến những suy nghĩ dại dột hơn là rủ nhau cùng tự tử…để lại cho các gia đình sự mất mát, đau thương không gì bù lại được.

Trước những thực trạng đáng buồn đó của tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đã được địa phương tích cực triển khai với nhiều giải pháp.

Anh Nin, Cán bộ tư pháp xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Xã cũng triển khai nhiều hình thức vận động lắm. Đến từng nhà, trong từng buổi họp của làng, của đoàn thanh niên, hội phụ nữ nên bà con người ta cũng biết rồi, không cho anh em trong cùng họ gần lấy nhau nữa mà chỉ lấy người ngoài thôi. Các cặp đôi mà muốn kết hôn thì cũng lên xã để đăng ký kết hôn theo đúng luật pháp quy định”.

Ngoài sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của xã để đẩy lùi hôn nhân cận huyết thì Hà Đông cũng là địa phương được Vụ Dân tộc thiểu số – Ủy ban Dân tộc chọn làm điểm triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào năm 2017. Mô hình có sự tham gia của các đại biểu là già làng, người có uy tín, trưởng thôn; cán bộ phụ nữ và đoàn thanh niên thôn, nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn; các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi kết hôn.

Theo đó, các gia đình được triển khai cho ký cam kết không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn. Đồng thời, triển khai mô hình Câu lạc bộ tiền hôn nhân cho thanh niên nhằm tuyên truyền, theo dõi và kịp thời phát hiện những đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để can thiệp, tư vấn, vận động nhằm ngăn chặn vụ việc.

Anh Bu Ri, Đoàn viên thanh niên xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Thanh niên trong làng mình cũng thường xuyên được tuyên truyền không kết hôn trước tuổi, không lấy anh em trong họ hàng gần. Trong các dịp sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ đều được tuyên truyền về tác hại khi lấy vợ chồng sớm, lấy người trong họ hàng anh em. Được tuyên truyền nhiều như thế thì thanh niên cũng đều nghe theo và chấp hành”.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Qua công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì đã góp phần vào việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, giáo dục của địa phương”.

Quyết tâm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng những giải pháp quyết liệt mà xã Hà Đông đã và đang triển khai cũng chính là để địa phương có thể tập trung phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Và đó cũng là tiền đề để mỗi gia đình xây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bền vững.

Ngọc Hà, Minh Vũ


Lượt xem: 97

Trả lời