Gồng mình duy trì lớp học bán trú 

Cập nhật 04/10/2018, 08:10:15

Năm học 2018 – 2019, trên địa bàn Tp. Pleiku có 34 trường học Mầm non, trong đó có 20 trường công lập, số còn lại là trường mầm non tư thục. Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT Tp. Pleiku đến thời điểm hiện tại toàn thành phố có 191 nhóm lớp mầm non công lập với trên 5940 em học sinh và nhu cầu trẻ học bán trú đã là 4530/5940 em học sinh.

Thế nhưng hiện nay, trong tổng số 234 giáo viên biên chế thì địa phương mới chỉ bố trí được 180 giáo viên dạy bán trú. Với số học sinh hiện có thì toàn thành phố phải cần thêm 106 giáo viên dạy bán trú ở bậc học mầm non. Vì thiếu giáo viên nên nhiều trường mầm non hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì lớp học bán trú cho học sinh.

Năm nay, Trường Mầm non Hoa Cúc thuộc xã Diên Phú, Tp.Pleiku  có 114 em học sinh. Để duy trì được  3 lớp bán trú với 70 em học sinh từ 3 đến 5 tuổi thì nhà trường cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên đứng lớp, thay vì như trước đây mỗi lớp học bán trú như thế này phải có 2 giáo viên thì bây giờ chỉ có 1 giáo viên đứng lớp từ đầu năm đến giờ.

Cô Vi Thị Diễm Phương, GV Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Diên Phú, Tp. Pleiku nói: “Những khó khăn so với trước đây bây giờ chúng tôi làm việc 1 cô phải chịu trách nhiệm đứng 1 lớp bán trú từ sáng cho đến tối và không có giáo viên phụ giúp nên chúng tôi phải làm rất là nhiều công việc. Sĩ số học sinh các cháu rất là đông nên các cô cũng vất vả nhiều so với trước đây.

Tôi cũng mong muốn là các cấp lãnh đạo có thể xem xét, giải quyết cho chúng tôi về giáo viên đứng lớp được 2 cô/lớp, còn lương thì được giải quyết kịp thời để giúp cho đời sống của giáo viên chúng tôi được ổn định hơn”.

Trường Mầm non Hoa Cúc hiện còn thiếu 2 giáo viên, trước mắt nhà trường đã hợp đồng thêm 1 giáo viên dạy lớp bán trú. Tiền lương của giáo viên hợp đồng do các bậc phụ huynh tự đóng góp, bình quân mỗi cháu phải đóng thêm 70 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên việc kêu gọi xã hội hóa từ phía các bậc phụ huynh cũng không hề đơn giản.

Cô Nguyễn Thị Thơi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Diên Phú, Tp. Pleiku cũng cho biết: “Khó khăn nhất của xã Diên Phú là đa số dân làm nông nên về xã hội hóa giáo dục gặp rất là nhiều khó khăn. Mỗi cô đứng 1 lớp thì không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc cho các cháu được.

Hai nữa là huy động sĩ số học sinh ra lớp hơi khó khăn vì dân làm nông, trường mở lớp bán trú từ năm 2010 không có khoản gì ngoài chỉ có thu tiền học sinh trả lương cô giáo, lương cấp dưỡng 496 ngàn thôi và cũng không thu gì thêm”.

Còn Trường Mầm non Hướng Dương, phường Chi Lăng, Tp. Pleiku đến thời điểm này đã có 10 cháu lớp 5 tuổi rút hồ sơ xin chuyển sang trường khác với lý do nhà trường thu tiền cao. Hiện tại, nhà trường đang có 4 giáo viên hợp đồng nên ngoài các khoản tiền đóng cố định hàng tháng thì mỗi học sinh phải đóng thêm 100 ngàn đồng/tháng để trả lương cho giáo viên. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ Trường Mầm non Hướng Dương mà nhiều trường khác trên địa bàn thành phố Pleiku rất khó có thể duy trì được những lớp học bán trú như thế này và giáo viên cũng không còn tâm huyết với nghề nếu ngành không tạo được sự an tâm cho họ.

Cô Hồ Thị Thu Hường, GV Trường Mầm non Hướng Dương, phường Chi Lăng, Tp. Pleiku nêu: “Ước mơ của tôi là khi ra trường sẽ có 1 công việc ổn định về công tác trường Hoa Hướng Dương tôi đã về công tác được 2 năm rồi. Tôi rất là tâm huyết với nghề này nên năm nay trên phòng GD nói là cắt hết hợp đồng nói chung tất cả những giáo viên hợp đồng chứ không riêng gì tôi rất lo lắng. Bởi mình luôn yêu nghề, muốn cống hiến với nghề nhưng thấy tình hình trước mắt như vậy chúng tôi sợ là mình không thể trụ nổi với cái nghề”.

Trước thực trạng thiếu giáo viên bậc học mầm non như hiện nay đòi hỏi ngành giáo dục, chính quyền địa phương cần đưa ra giải pháp để giải quyết khó khăn này. Vì hiện nay hầu hết các trường mầm non đang phải gồng mình để duy trì lớp học bán trú, bởi nếu không mở được lớp học bán trú sẽ đồng nghĩa với việc không thể thu hút được học sinh đến trường và khó thực hiện được Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhất là ở những vùng xa trung tâm thành phố./.

Lệ Xuân, Duy Linh


Lượt xem: 95

Trả lời