Giám sát việc thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai”

Cập nhật 28/3/2024, 10:03:12

Sau khi hoàn thành đợt giám sát trực tiếp tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, sáng nay (28/3), Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với các sở, ngành về việc triển khai thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai”. Đồng chí Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị Văn phòng UBND tỉnh và các sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp tập trung làm rõ những kết quả nổi bật, các vướng mắc, tồn tại và những đề xuất kiến nghị trong quá trình thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai”.  Qua đó hướng đến mục đích và mục tiêu cuối cùng là nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; không ngừng cải thiện vị trí, xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2025” của đơn vị. Trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, Gia Lai là tỉnh loại 1, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhưng số biên chế phòng chuyên môn ít không đủ thực hiện hết các nhiệm vụ nhà nước giao. Trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và hiện tỉnh không còn dư địa để thực hiện sắp xếp nên khó có thể thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021. TTHC tiếp nhận theo cơ chế một cửa liên thông mặc dù đã được quan tâm, đổi mới nhưng nhìn chung vẫn còn một số công đoạn rườm rà. Việc xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn; kỹ năng, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã còn thấp… Để thực hiện tốt công tác CCHC trong thời gian tới, các sở, ngành đề nghị tỉnh sớm nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản được tốt hơn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời có văn bản hướng dẫn đối với những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thiên Thanh – Ksor Tuối


Lượt xem: 3

Trả lời