Giải pháp nào cho tình trạng cho thuê đất sản xuất ở Đak Đoa

Cập nhật 22/4/2016, 10:04:28

     Lắng đọng một thời gian, hiện nay tình trạng bà con  dân tộc thiểu số sang nhượng, cho thuê đất canh tác diễn ra khá phổ biến và hết sức phức tạp. Phóng sự thực hiện tại huyện Đăk Đoa. 

 

Cần sớm chủ động có những biện pháp ngăn chặn, những giải pháp tích cực và phù hợp như hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi để người dân chủ động phát triển sản xuất

655 hộ chuyển nhượng đất sản xuất với tổng diện tích hơn 400 ha; 772 hộ cho thuê đất sản xuất với tổng diện tích hơn 420 ha. Đó là những con số thống kê về thực trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trên địa bàn huyện Đak Đoa từ đầu năm 2013 đến tháng 9/2015. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã triển khai một số giải pháp.

Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Dân tộc-Tôn giáo, huyện Đak Đoa cho biết: “Trước tình hình đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất với số lượng lớn thì huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 04, UBND huyện Đăk Đoa có kế hoạch triển khai nghị quyết và đã tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị mảnh đất của bà con, quán triệt cho già làng trưởng thôn không được ký xác nhận việc mua bán sang nhượng đất”.

Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Thế nhưng cơn lốc trồng chanh dây; giá mủ cao su vẫn nằm ở mức thấp…, một lần nữa lại làm vấn đề cho thuê đất nóng lên.

 Những vườn cao su hơn chục năm tuổi vẫn đang cho mủ đều đặn nhưng người dân bỏ mặc và nếu ai có nhu cầu thuê đất đều dễ dàng nhận được cái gật đầu, thỏa thuận của  chủ đất.

Anh Rim-Làng R’Khương-Xã KDang-Đak Đoa cho biết:  Bà con thiếu tiền, bên ngân hàng đòi quá nên cho thuê đất. Cho thuê có lợi hơn bán . Cho thuê 3 năm thôi, 1 ha, người ta đi thuê cũng không muốn thuê nhiều năm vì chanh dây trồng 3 năm thôi.  Sau đó bà con lấy lại đất trồng cà phê trồng tiêu.

   Chanh dây thuộc giống cây ngắn ngày, chỉ sau 3-4 năm là bỏ giàn. Chi phí trồng 1 ha chanh dây hiện nay khoảng 150 triệu và nếu đã có trụ sẵn thì  khoảng 100 triệu đồng. Để tiết kiệm 50 triệu đồng tiền trụ cho một ha chanh dây, cách nhanh nhất là thuê đất cao su và cưa ngang thân cây thành trụ. Và điều hiển nhiên sau 3 năm trả lại đất, cây cao su cũng không còn. Biết là vậy nhưng vì cần tiền ngay một lúc, nhiều hộ đồng bào dân tộc  thiểu số không ngần ngại thỏa thuận miệng, rồi ký tay để nhanh chóng hoàn tất việc cho thuê đất

 Là người đi thuê dất anh Nguyễn Tấn Huynh-xã HNeng-Đak Đoa cho biết: “ Mình thuê đất đang trồng cao su, hợp đồng 10 năm, viết tay thôi, ký tá 2 bên. Mình thì cần đất, đồng bào thiếu tiền thì họ cho thuê. Hai bên cùng có lợi”.

Có rất nhiều lý do để giải thích nguyên nhân cho thuê đất. Từ lý do chính đáng là cần tiền để trả ngân hàng, làm nhà, lấy vốn để tái đầu tư sản xuất, cho đến những nguyên nhân như do thiếu tiền tiêu xài, lười lao động. Đã đến lúc các cấp ngành cần sớm chủ động có những biện pháp ngăn chặn, những giải pháp tích cực và phù hợp như hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng vật nuôi để người dân chủ động phát triển sản xuất. Có như thế mới tránh được những hệ lụy có thể xảy  khi bà con không có đất sản xuất và không ít người đã phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình./.

Vân Anh – Duy Linh


Lượt xem: 104

Trả lời