Gia Lai tăng cường công tác phòng chống cháy rừng

Cập nhật 26/4/2024, 09:04:52

Hiện nay đã bước vào cuối mùa khô 2023 – 2024, song thời tiết nắng nóng vẫn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai cấp bách các biện pháp nhằm hạn chế các nguy cơ và không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 286 vùng trọng điểm về cháy rừng với tổng diện tích gần 125.000 ha rừng, chiếm gần 20% tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Từ đầu mùa khô 2023 – 2024 đến nay, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đã tổ chức gần 410 đợt tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thu hút hơn 26.700 lượt người tham dự; tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng với gần 17.400 lượt hộ dân sống, canh tác gần rừng; đồng thời đã huy động các tổ, đội nhận khoán phối hợp tổ chức phát, đốt có điều khiển, giảm vật liệu cháy đối với trên 440 km và xây dựng hơn 82 km đường băng cản lửa tại các vùng trọng điểm về cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng BQL Rừng phòng hộ Mang Yang, huyện Mang Yang cho biết: “Đối với công tác PCCCR mùa khô 2023 – 2024 thì đơn vị đã triển khai một số nhiệm vụ cấp bách; như là đã củng cố lực lượng chuyên trách và lực lượng chữa cháy rừng cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng ký cam kết an toàn lửa rừng; tổ chức thực hiện các công trình lâm sinh, đốt có điều khiển để hạn chế vật liệu cháy trong mùa khô này.”

Ông Phạm Văn Ngọc –  Tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang nói: “Ngay từ đầu mùa khô thì BQL rừng cũng tổ chức cho các tổ nhận khoán cùng với lực lượng của đơn vị thường xuyên tuần tra và đốt xử lý các thực bì dễ bắt lửa, tiến hành đốt có điều khiển các khu vực trọng điểm.”

Dù đã chủ động triển khai các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR, song từ đầu mùa khô 2023 – 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng chưa nghiệm thu thành rừng tại huyện Chư Pưh và huyện Grai với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 122 ha. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đang tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách về PCCCR theo đúng tinh thần Công điện khẩn số 02 ngày 8/4/2024 của UBND tỉnh Gia Lai.

Ông Trần Anh Tài – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết: “Hạt Kiểm lâm phân công cán bộ kỹ thuật và lực lượng kiểm lâm địa bàn ở cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân, chủ rừng đầu mùa khô là phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa, thực hiện các biện pháp phát, đốt trước có điều khiển để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng ở diện tích rừng trồng.”

Ông Lê Thái Hùng – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, huyện Đak Pơ trao đổi: “Đối với những vùng trọng điểm cháy thì đơn vị cũng huy động các tổ nhận khoán cùng với lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên trực 24/24 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nếu có cháy rừng xảy ra; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động và kiểm tra các hộ dân canh tác gần rừng trồng của đơn vị để nhắc nhở, tuyên truyền không để cháy lan vào rừng.”

Theo dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt và mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ đến muộn hơn mọi năm. Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn, vùng trọng điểm về cháy rừng chiếm gần 1/5 diện tích đất có rừng và địa hình đồi núi, phức tạp. Do đó, đòi hỏi các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng cần tăng cường hơn nữa công tác PCCCR với phương châm “4 tại chỗ” và “phòng là chính” để hạn chế tối đa các nguy cơ và không để cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Đức Hải – Thanh Sáng


Lượt xem: 2

Trả lời