Gia Lai nỗ lực chuẩn cho năm học mới

Cập nhật 04/9/2019, 14:09:30

 Để chuẩn bị cho năm học 2019 – 2020, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới thì ngành GD&ĐT Gia Lai còn nỗ lực thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất tạo mọi điều kiện cho học sinh đến trường. Sau đây là ghi nhận của phóng viên thời sự.

Bước vào năm học mới 2019-2020, toàn tỉnh Gia Lai có 774 trường mầm non, phổ thông giảm 14 trường so với năm học 2018-2019, sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết số 19. Trong đó học sinh Mầm non: 86.534 em; học sinh Phổ thông: 311.700 em và học sinh giáo dục thường xuyên: 3.980.

Năm học này, toàn huyện Chư Pưh thiếu khoảng 50 giáo viên ở bậc  Tiểu học và THCS. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu giáo viên đứng lớp trong năm học mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện về trong công tác hợp đồng thêm giáo viên.

Ông Lê Hồng Mạnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh cho biết: “Năm học này cũng giống như năm học trước vẫn là tình trạng thiếu giáo viên, tuy nhiên năm nay số giáo viên thiếu ít hơn năm trước nên chúng tôi có kế hoạch sẽ tham mưu cho UBND huyện cân đối ngân sách để hợp đồng giáo viên giảng dạy cho đảm bảo chất lượng, tránh để tiền tăng giờ đội lên cao”.

Ngoài việc đáp ứng đủ giáo viên trong năm học thì việc xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp cũng được huyện Chư Pưh đặc biệt quan tâm. Trong đó có sự đầu tư các điểm trường làng nhằm thu hút học sinh đến trường, nhất là ở những vùng khó khăn. Đồng thời,  phân công nhiệm vụ chuyên môn cụ thể cho các giáo viên và tập trung tăng cường Tiếng việt cho học sinh DTTS ngay khi bước vào năm học.

Thầy giáo Lê Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cho biết: “Về phía nhà trường BGH đã chỉ đạo đến các thầy cô giáo và các em học sinh công tác vệ sinh trường lớp để bước vào tuần đầu tiên. Bên cạnh đó nhà trường cũng đã phân công chuyên môn 2019 – 2020 kịp thời đến các thầy cô giáo, các em kịp thời ghi thời khóa biểu và lên lớp trong tuần đầu tiên  và tuần này chủ yếu là tăng cường tiếng Việt cho học sinh người đồng bào DTTS  tại các điểm trường và khu vực trung tâm”.

Đối với những trường thiếu giáo viên ở một số bộ môn khác như huyện Ia Pa cũng đã có kế hoạch hợp đồng thêm giáo viên ở bên ngoài nhưng được sự đồng thuận của phụ huynh trong công tác kêu gọi xã hội hóa.

Cô giáo Trần Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Ia  Pa, Gia Lai cũng cho biết: “Đến tận thời điểm bây giờ về công tác phân công chuyên môn của nhà trường đã ổn định, nhà trường đã phân công rất cụ thể giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng như giáo viên làm công tác kiêm nhiệm trong nhà trường. Về phần giáo viên tin học hàng năm trường cũng mở lớp tin học từ khối 3 đến khối 5. Nhà trường cũng đã thống nhất trao đổi bên Hội phụ huynh đầu năm về công tác xã hội hóa hợp đồng giáo viên để mở lớp tin học này”.

Được biết từ đầu năm 2019 đến nay, Ngành GD&ĐT Gia Lai đã phối hợp với cơ quan chức năng để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc vận động các học sinh ra trường cũng được các trường nỗ lực thực hiện, nhất là  vùng sâu, vùng xa. Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo từ con người đến cơ sở vật chất, công tác dạy và học của thầy và trò trên địa bàn toàn tỉnh gặt hái được nhiều thành công trong năm học này./.

Lệ Xuân , Piên , Minh Trí

 


Lượt xem: 38

Trả lời