Gia Lai-những doanh nghiệp “chết” mà chưa thể “chôn” được.

Cập nhật 08/10/2013, 13:10:23

Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán, không thể hoạt động sản xuất kinh doanh được nữa, từ năm 2006 đến nay Gia Lai có 5 doanh nghiệp xin được phá sản. Tuy nhiên vì vướng nhiều khâu, đáng nói là vướng các quy định của pháp luật nên mặc dù đã mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp nhưng đến nay TAND tỉnh chỉ có thể ra quyết định tuyên bố phá sản cho 1 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp còn lại đã và đang rơi vào tình cảnh mặc dù đã “chết” nhưng chưa thể “chôn” được.

 

 

Trong 5 doanh nghiệp xin được phá sản, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định TAND tỉnh Gia Lai chỉ có thể ra quyết định tuyên bố phá sản cho Công ty chè Ayun, huyện MangYang. Điều đáng nói là phải mất gần 2 năm, Công ty này mới được tuyên bố phá sản. 4 doanh nghiệp còn lại TAND tỉnh chưa thể ra quyết định tuyên bố phá sản gồm: Công ty thương mại, xuất nhập khẩu Gia Lai mở thủ tục phá sản ngày 31/10/2006; Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai mở thủ tục phá sản ngày 6/12/2006; Công ty xây dựng công trình giao thông 506 mở thủ tục phá sản từ ngày 30/9/2009 và trong năm 2013 này có Tổng đội thanh niên xung phong mở thủ tục phá sản. Theo quy định của Luật phá sản năm 2004, TAND chỉ ra quyết định tuyên bố phá sản khi giải quyết xong các công việc như: thu nợ, bán tài sản… Tuy nhiên trên thực tế, các công việc trên chưa thể hoặc thậm chí là không thể giải quyết được. Đáng nói là việc xử lý công nợ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Sinh-Phó Chánh Tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Gia Lai cho biết: “Việc xử lý công nợ đối với doanh nghiệp có 2 dạng đối tượng đó là người mắc nợ doanh nghiệp và người doanh nghiệp mắc nợ. Đối với người mắc nợ doanh nghiệp khi lập danh sách tổ quản lý thanh lý tài sản (QLTLTS) phải có nghĩa vụ đòi nợ cho doanh nghiệp, trước khi đòi nợ phải đối chiếu. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không hợp tác, không tham gia, trốn tránh mặc dù trên thực tế có nợ thật. Dù vậy, cơ quan thi hành án cũng không thể cưỡng chế đòi nợ cho doanh nghiệp được vì chưa có bản án hoăc chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cũng không thể kiện để đòi nợ. Đối với người doanh nghiệp nợ thì có những doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, giải thể hoặc không tìm ra tung tích. Khoản nợ đó Luật phá sản cũng không quy định phải xử lý thế nào”.

Để có phản ánh nhiều chiều về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với một vài Giám đốc Công ty được cử đại diện theo pháp luật nhưng vì nhiều lí do, đáng nói là việc tế nhị vì doanh nghiệp phá sản, làm ăn thua lỗ nên đa số các Giám đốc đều từ chối gặp và trả lời… Qua tìm hiểu được biết: Chủ nợ của các doanh nghiệp xin phá sản đa số là các ngân hàng và một số tổ chức, cá nhân. Trên thực tế không phải chủ nợ nào cũng đồng ý cho phép doanh nghiệp phá sản….

Ông Nguyễn Văn Sinh-Phó Chánh Tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Gia Lai cho biết thêm: “Khi đưa ra hội nghị chủ nợ, chủ nợ doanh nghiệp phải đồng ý cho doanh nghiệp phá sản thì doanh nghiệp mới có thể phá sản được. Tuy nhiên trên thực tế đa số chủ nợ doanh nghiệp không đồng ý vì doanh nghiệp đang nợ họ nếu vậy thì họ mất khả năng đòi nợ. Chính vì vậy mà gọi nôm na là có doanh nghiệp chết rồi mà cũng không thể chết được”.

Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp là một trong những khâu quan trọng trong việc ra quyết định tuyên bố phá sản của doanh nghiệp. Thế nhưng thời gian qua, việc thanh lý tài sản cũng không hề dễ dàng. Sau nhiều năm bán đấu giá, thậm chí là hạ giá nhiều lần đến nay đã cơ bản xong việc thanh lý tài sản của một số doanh nghiệp. Cụ thể: Đối với Công ty xuất nhập khẩu đã xử lý xong tài sản, còn lại là thu hồi nợ đối với người mắc nợ. Còn Công ty Thương mại, xuất nhập khẩu hiện chỉ còn tài sản tại Đăk Hà, Kon Tum. Đối với Công ty xây dựng công trình giao thông 506 còn tài sản tại Quảng Nam và Đà Nẵng… Nếu như đối với các vụ việc dân sự thông thường, cơ quan thi hành án có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án tại địa phương đó đấu giá, thanh lý tài sản thì đối với tài sản của những doanh nghiệp phá sản theo quy định không thể ủy thác được…. Do vậy, việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp ở địa phương ngoài tỉnh để phục vụ cho việc tuyên bố phá sản gặp không ít khó khăn, bên cạnh đó lại còn vướng quy định mới đây của TAND tối cao. Nói về vấn đề này Ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cho biết: “Việc thanh lý tài sản của các Công ty theo Luật phá sản, Luật thi hành án. Vừa qua TAND tối cao có văn bản ngày 22/2/2013 về xử lý bán đấu giá tài sản của Công ty tuyên bố phá sản khác biệt với Luật thi hành án, hiện tổ đang tiến hành nghiên cứu giải quyết, khó vấn đề đó. Trước đây tài sản Công ty ủy quyền cho Công ty bán đấu giá, giờ theo văn bản mới là việc bán đấu giá tài sản là tổ trực tiếp đứng ra bán nên cũng có khó khăn”.

Theo thống kê, năm 2012 cả nước có trên 69.800 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Trong đó có hơn 54.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Trong 9 năm thi hành Luật phá sản năm 2004, TAND các tỉnh, thành đã thụ lý tổng cộng 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong đó, số doanh nghiệp đủ điều kiện để thụ lý và mở thủ tục phá sản là 236 doanh nghiệp. Điều đáng nói là đến thời điểm này, TAND các tỉnh, thành chỉ có thể ra quyết định tuyên bố phá sản cho 83 trường hợp, trong đó tỉnh Gia Lai có 1 trường hợp. Điều này đồng nghĩa với việc còn 153 trường hợp chưa ra quyết định tuyên bố phá sản-Con số này được cho là bất thường so với thông lệ quốc tế.

Sau 9 năm thi hành, bên cạnh những ưu điểm so với Luật phá sản năm 1993 thì trong thực tiễn thi hành Luật phá sản năm 2004 cũng gây không ít khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, các ngành liên quan, các địa phương đã đề nghị sửa đổi đến 57/95 điều của Luật này.

Ông Nguyễn Văn Sinh-Phó Chánh Tòa Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Gia Lai có ý kiến: Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật phá sản để phù hợp với thực tế hơn, tạo hành lang pháp lý trong thực tiễn cuộc sống, tránh tạo vướng mắc vì không biết căn cứ vào đâu để xử lý”.

Còn đây là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai: “Đề nghị sửa đổi Luật phá sản phù hợp với thực tế. Chứ hiện nay tổ quản lý thanh lý tài sản do tòa án thành lập, tổ này xử lý nợ xong thì mới ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong khi đó, Luật phá sản năm 1993 có 2 tổ riêng biệt, tổ quản lý tài sản tại tòa án sau khi lên danh sách chủ nợ , những người mắc nợ, kiểm kê tài sản xong, sau đó ra quyết định tuyên bố phá sản, quyết định này chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án thành lập tổ thanh lý tài sản thì sẽ thuận tiện hơn”.

Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, rơi vào tình trạng phá sản những năm qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung là hậu quả tất yếu của việc hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ. Cá biệt, có trường hợp nguyên Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai đã dính vào vòng lao lý… Trụ sở làm việc của đa số các doanh nghiệp phá sản trên thực tế cũng đã thay chủ quản lý, sử dụng mới nhiều năm nay nhưng điều bất hợp lý là mặc dù đã rơi vào tình cảnh chết nhiều năm nhưng các doanh nghiệp phá sản vẫn chưa thể "chôn" được… Khi nào các doanh nghiệp phá sản thật sự "khai tử" còn chờ ở việc sửa đổi, bổ sung Luật phá sản năm 2004./. 

 

Thiên Thanh-Minh Trí-Thanh Sáng


Lượt xem: 77

Trả lời