Gia Lai kỳ vọng thu hút khách du lịch từ các lễ hội

Cập nhật 25/4/2022, 13:04:38

Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa hết sức đặc sắc. Sự giao thoa, hội tụ văn hóa của các dân tộc không chỉ tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của địa phương, mà còn tạo nên những nét riêng trong lễ hội của các dân tộc để ngành du lịch của tỉnh thu hút du khách muôn phương đến trải nghiệm.

Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ Nhất đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ những buôn, làng xa xôi của tỉnh cũng như đông đảo du khách. 16 đoàn nghệ nhân đến từ các địa phương trong tỉnh đã mang đến ngày hội những chương trình biểu diễn hết sức đặc sắc, từ tái hiện sống động không gian sinh hoạt cộng đồng; trình diễn cồng chiêng, hát dân ca dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… đến tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm…

Đối với đoàn du khách đến từ thành phố Hoa Phượng đỏ này, lần đầu tiên đến với Gia Lai và may mắn được tìm hiểu, trải nghiệm Ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh đã đem đến cho du khách nhiều cảm xúc, ấn tượng tuyệt vời.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh – Du khách Hải Phòng nói: “Lần đầu tiên đoàn Hải Phòng của chúng tôi đến Gia Lai – Kon Tum gặp lễ hội của những người dân tộc anh em thì cảm xúc của chúng tôi vô cùng phấn khởi. Chúng tôi chưa bao giờ được dự lễ hội to lớn và hoành tráng như thế này, nên để lại ấn tượng cho đoàn của chúng tôi khi đến tham quan lễ hội này”.

Bà Nguyễn Thị Minh Đào – Du khách Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi thật sự xúc động và cảm thấy tình đoàn kết của các dân tộc anh em Việt Nam mình. Chúng tôi rất phấn khởi”.

Bên cạnh thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, mỗi địa phương trong tỉnh Gia Lai còn có những sự kiện, lễ hội hết sức đặc trưng, như: Lễ hội Hoa dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah; Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và Hội cầu huê, thị xã An Khê; Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô, huyện Ia Grai; Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui (Vua lửa), huyện Phú Thiện… Để tạo ấn tượng đối với du khách trong và ngoài tỉnh, cùng với việc chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các lễ hội hàng năm nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn du khách, các địa phương còn quan tâm phục dựng một số lễ hội của đồng bào Jrai và Bahnar như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng rừng, lễ cầu mưa, lễ thổi tai, lễ cúng năm mới… Qua đó không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh mà còn giúp du khách trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Đây cũng chính là 1 trong những biện pháp được ngành du lịch tỉnh chú trọng thực hiện nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.

Anh Đàm Hoàng – Hướng dẫn viên Công ty Du lịch Hà Nội cũng nói: “Đoàn rất vui khi được trải nghiệm những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa khác nhau, ở trên xe chúng tôi cũng đã giới thiệu cho du khách cảm nhận, biết thêm thông tin về nét văn hóa đó và đến đây trực tiếp mục sở thị những nét văn hóa ấy thì rất thú vị. Với những nét văn hóa ấy, danh lam, thắng cảnh đẹp thì tôi tin chắc rằng Gia Lai sẽ thu hút được khách du lịch rất đông sẽ đến Gia Lai trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở VH – TT&DL cho biết: “Chúng tôi xác định đẩy mạnh các giải pháp để thu hút khách du lịch, đặc biệt là trong các sự kiện, tổ chức các hoạt động trong Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai và cuối năm chúng ta sẽ có Festival văn hóa cồng chiêng, chúng tôi đánh giá đây là 1 trong những hoạt động để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với TP.Pleiku và các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và khu du lịch Biển Hồ nhằm tạo điểm nhấn khi khách đến Gia Lai. Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu xây dựng các điểm đến mới của tỉnh nhà, vào ngày 24 và 25 sắp tới chúng tôi đón đoàn doanh nghiệp lữ hành trong nước đến với du lịch tỉnh nhà đến những điểm mới mà du khách chưa biết như: Suối đá cổ Ia Ly, thác Mơ, lòng hồ Ia Ly”.

Với nhiều cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hùng vỹ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, du lịch Gia Lai đang trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Để tạo ấn tượng khó quên đối với du khách, bên cạnh xây dựng các điểm đến an toàn, thân thiện, ngành du lịch tỉnh còn không ngừng làm mới mình với những sản phẩm du lịch đặc trưng, qua đó góp phần tạo thêm ấn tượng đối với du khách về đất và người Gia Lai./.

 Thiên Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 33

Trả lời