Gia Lai: Gia tăng tình hình phạm pháp trong một bộ phận người dân tộc thiểu số

Cập nhật 08/1/2017, 05:01:44

Thanh thiếu niên phạm pháp chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự xảy ra; đáng quan tâm là trong năm 2016, đối tượng là người DTTS và dưới 18 tuổi phạm tội trên địa bàn tỉnh Gia Lai gia tăng.

Thực tế đáng lo ngại này đặt ra nhiều điều đáng bàn và không ít khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phạm pháp trong thanh thiếu niên và vùng DTTS.

Năm 2016, tỉnh Gia Lai đã xảy ra 139 vụ phạm pháp do người DTTS gây ra. Đáng quan tâm, đối tượng là người DTTS và dưới 18 tuổi phạm tội gia tăng. So với năm 2015, đối tượng thiếu niên phạm tội bị bắt giữ tăng 8,62%, ngoài ra, số vụ phạm pháp hình sự do đối tượng là người DTTS gây ra tăng 3,73%.

Tại huyện Chư Sê, trong năm 2016 có 30 vụ phạm pháp liên quan đến người DTTS. Trong đó chủ yếu liên quan đến trộm cắp tài sản chiếm với 19 vụ, ngoài ra, một số đối tượng còn thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác như: Cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản… Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến thực tế đáng lo ngại này  là do nhiều thanh thiếu niên bỏ học sớm, lười lao động nhưng thích ăn chơi, đua đòi, nhậu nhẹt… nên đã liều lĩnh gây ra các vụ phạm pháp.

Bị can Kpă Thứ-Huyện Chư Pưh khai : Em với Wi đi trộm cắp. Em được Wi chia cho 2,3 triệu đồng. Số tiền này em dùng để tiêu xài, nhậu nhẹt.

Bên cạnh những hệ lụy từ việc sử dụng rượu, ảnh hưởng bởi những phim ảnh đồi trụy.. thì tình trạng người DTTS có dấu hiệu tâm thần gây án, phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cũng là điều hết sức quan tâm trong công tác phòng, chống tội phạm ở một số địa phương trong tỉnh Gia Lai.

Đại úy Đỗ Mạnh Đạt-Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Ia Grai cho biết: “Trong 4 vụ giết người thì 3 vụ người DTTS có dấu hiệu tâm thần. Điều này rất khó cho cơ quan chức năng trong công tác phòng, ngừa và xử lý. Vì vậy thông qua các vụ giết người do người DTTS gây ra thì chính quyền địa phương, ngành chức năng, gia đình cần quản lý người có dấu hiệu tâm thần, kịp thời đưa đi các cơ sở y tế để khám và điều trị nhằm tránh việc do hạn chế về nhận thức và hành vi dẫn đến việc thực hiện các hành vi và phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.

Để chủ động ngăn ngừa và hạn chế tình trạng phạm pháp do người DTTS gây ra, bên cạnh kịp thời phối hợp xử lý các vụ việc, Công an các địa phương còn chú trọng công tác tuyên truyền, nhất là tại các làng, xã có tỉ lệ người DTTS chiếm tỉ lệ cao.

Nói về vấn đề này Trung tá Ngô Gia Cường-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: “ Chúng tôi tuyên truyền, thông báo đến người dân, đặc biệt là vùng người DTTS để chính quyền xã thông báo đến các gia đình để các gia đình phối hợp, chủ động quản lý con em họ trong quá trình sinh hoạt cũng như đi lại. Chúng tôi chủ động phát hiện những đối tượng có biểu hiện vi phạm hoặc phạm pháp thì xử lý nghiêm, cũng như đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền cho bà con biết, tránh những hành vi phạm pháp xảy ra”.

Thực tế người DTTS phạm pháp gia tăng không chỉ là điều lo ngại  đối với các cấp, ngành và toàn xã hội mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Chính vì vậy cần có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục, quản lý con em, người thân nhằm hạn chế tình trạng người DTTS phạm pháp./.

Thiên Thanh-Minh Trí-Đặng Trà


Lượt xem: 94

Trả lời