Gia Lai đẩy mạnh các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản

Cập nhật 16/8/2018, 08:08:41

Gia Lai là tỉnh có điều kiện về mặt nước để phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trước tình trạng khai thác, đánh bắt một cách tràn lan, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt; những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển và tái tạo lại nguồn lợi thủy sản ở các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn.

Gia Lai hiện có trên 14.000 ha diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản; gồm hệ thống sông, suối, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và những diện tích ao, hồ của hộ gia đình. Nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh vô cùng phong phú từ các loại cá truyền thống, như: trắm, chép, mè… đến các loại có giá trị kinh tế, như: thát lát, lăng nha và nhiều loại thủy sản khác với sản lượng đánh bắt hàng năm trên 2.500 tấn. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chỉ thị và chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên và tạo sinh kế cho người dân.

Bà Lê Thị Lệ Mỹ Nhung – Phó Trưởng Phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “5 năm qua thì chúng tôi đã phối hợp thả 14 đợt cá giống với số lượng gần 1 triệu con với các loại như: mè, trôi, trắm, chép. Mục đích của hoạt động này là nhằm tái tạo lại, phục hồi lại nguồn lợi thủy sản đang ngày một cạn kiệt; đồng thời, đây là hoạt động tạo sinh kế và công ăn việc làm cho người dân sống xung quanh lòng hồ, những hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sống bằng việc đánh bắt thủy sản ở các lòng hồ”.

Tuy nhiên, một thực tế là do ý thức của con người trong quá trình đánh bắt, nhất là các hành vi khai thác một cách tận diệt đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh dần bị cạn kiệt. Chính vì thế mà hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh việc tái tạo lại nguồn lợi thủy sản. Theo kế hoạch, trong 3 năm, 2018 đến 2020, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Tổng Cục Thủy sản và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai thả cá giống phóng sinh ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn. Riêng năm 2018 đã thả trên 85.000 con giống ở hồ Ka Nak, huyện Kbang.

Ông Mã Văn Tình, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kbang cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính Phủ là tăng cường các giải pháp quản lý các hoạt động khai thác các nguồn cá tại các hồ chứa; đặc biệt là nghiêm cấm việc đánh bắt cá bằng việc sử dụng xung điện, thuốc nổ, chất độc và sử dụng lưới mắt nhỏ hơn so với quy định. Và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định tạo điều kiện để phát triển các nguồn lợi thủy sản trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản nêu vấn đề : “Đối với Gia Lai thì các hoạt động về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì rất là quan trọng để tạo nên sinh kế bền vững cho bà con mà sống phụ thuộc vào khai thác và nuôi trồng thủy sản ở trên các hồ chứa, sông suối. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản thì chúng tôi cũng đề nghị là chúng ta nên nuôi những loài bản địa đặc hữu, những loài có giá trị nahừm phục hồi và cung cấp các nguồn thủy sản có giá trị; đồng thời chúng ta cũng nuôi thêm các loài cá kinh tế như là mè trôi, trắm, chép để tăng thêm thu nhập và sản lượng thủy sản của tỉnh”.

Việc thả cá giống tái tạo lại nguồn lợi thủy sản là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát triển các loại thủy sản đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Song vấn đề cốt lõi trong tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản chính là ý thức của người dân trong việc đánh bắt, khai thác và hạn chế những tác động đến môi trường sống của các loài thủy sản./.

Đức Hải, R’Piên

 


Lượt xem: 47

Trả lời