Gia Lai 70 năm sáng mãi ngọn lửa thi đua yêu nước

Cập nhật 11/6/2018, 14:06:49

Hôm nay, ngày 11/6/2018 – tròn 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018). Làm theo lời Bác Hồ dạy, trong 70 năm qua, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai càng khó khăn, gian nan thử thách thì càng kiên cường, dũng cảm; càng đoàn kết thống nhất ra sức thi đua dựng xây quê hương, đất nước. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù còn gian khó nhưng đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đó là những tập thể cá nhân mà việc làm và đóng góp của họ đã truyền đi cảm hứng về tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến hết mình, san sẻ yêu thương với người khác–Họ là những bông hoa đẹp giữa núi rừng Tây Nguyên.

Dưới chân núi Chư A Thai huyện Phú Thiện, một hình mẫu của phong trào thi đua những năm đầu thập kỷ 90, bà con Jrai sẵn sàng nhường lại đất đai của buôn làng cho công trình Đại thủy nông Ayun Hạ, dẫn dòng nước về cho những cánh đồng trên cao nguyên. Vẫn tinh thần nô nức thi đua ngày nào, hôm nay nông dân Jrai nơi đây không những chủ động được nguồn nước tưới mà còn xây dựng thành công mô hình liên kết giữa 4 nhà:  Nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học bằng việc thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo cánh đồng lớn, sản xuất thâm canh cây lúa nước, đưa Phú Thiện trở thành vựa lúa lớn nhất trên Tây Nguyên.

Ông Ksor A Nghim, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, Gia Lai nói: “Được nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, hỗ trợ, hướng dẫn bà con làm ăn. Trong làng ai nấy cũng vui mừng. Nay theo chủ trương cánh đồng lớn của huyện, cùng xã một giống, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch một thời điểm. Nên năng suất cao, đường xá chở nông sản về nhanh bà con ai cũng thích, phấn khởi, đồng thuận tham gia”.

80 mùa rẫy đi qua, Già Làng Siu Duch được biết đến là một cán bộ cách mạng kiên trung, một nông dân sản xuất giỏi, góp phần đem lại màu xanh tươi mới trên huyện biên giới Đức Cơ. Già luôn đặt câu hỏi, “không lẽ người Jrai lại không thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình…?”. khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống đã giúp già Siu Duch nhanh chóng thành công với mô hình cao su tiểu điền. Luồng gió mới mang tên Siu Đuch đã nhanh chóng giúp bà con làng Mook Đen mạnh dạn tiếp cận với cây cà phê, cao su để kinh tế phát triển đi lên.

Già làng Siu Duch, làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai cũng nói: “Nay đã có điện, có đường, có trường rồi trạm xá bà con khỏe rồi, mình đã yên tâm có điều kiện sản xuất, bản thân mình phải cố gắng học tập có cái chữ, học hỏi kinh nghiệm của anh em người kinh áp dụng sản xuất cho gia đình, nếu quết tâm thì sẽ làm giàu được. Từ chỗ thiếu đói đến đủ ăn nay thì làm giàu, bà con đều quyết tâm làm”.

Như vậy đó, vai trò tiên phong của những điển hình tiên tiến là luồng gió mới trong đổi mới tư duy. Đồng bào các dân tộc Gia Lai hôm nay tự hào rằng, các sản sản phẩm công, nông, lâm nghiệp như: Cà phê, chè, hồ tiêu, cao su mà họ làm ra đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước; Nhiều buôn làng ở đã trở thành hình mẫu của xây dựng Nông thôn mới. Như trên quê hương Đak Đoa của anh hùng Wừu, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia mô hình liên kết hộ,  để người kinh giúp người Bơnah phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau về vốn, ngày công, kỹ thuật sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh  cây cà phê, hồ tiêu…và mô hình này đã được nhân rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Ông Trương Duy Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã K’Dang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Xuất phát từ thời điểm xây dựng Nông thôn mới, làm được vấn đề này cần có những tổ hợp tác, tiến hành lên thành lập hợp tác xã cần có sự chung tay của tập thể. Do đó, từ sự hướng dẫn cơ quan, mặt trận các đoàn thể bà con đã liên kết, phát huy tính tập thể, cộng đồng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế”.

Ông Trần Tiến Đức, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Gia Lai đánh giá: “Qua thực hiện các phong trào thi đua do tỉnh phát động đã tạo nên tinh thần thi đua rất sôi nổi từ cơ sở ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tạo nên hiệu quả rất thiết thực từ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh nhà”.

Chúng ta tự hào rằng: Cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào đồng bào các dân tộc Gia Lai cũng luôn thi đua nỗ lực lao động, cống hiến hết mình, dám nghĩ, dám làm để quê hương ngày thêm giàu đẹp. Từ chỗ còn nghèo nàn , lạc hậu thì nay vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã hình nhiều làng triệu phú./.

Kim Ngân,  Minh Vũ


Lượt xem: 63

Trả lời