Giá đường giảm thấp- áp lực của doanh nghiệp và cả người trồng mía.

Cập nhật 25/3/2014, 14:03:21

Giá đường giảm thấp, lượng đường tồn kho cao là những vấn đề thực tế mà ngành mía đường đang phải đối mặt. Đây cũng  là áp lực của cả doanh nghiệp và người trồng mía đối với việc tìm lời giải cho bài toán lợi nhuận

 

Nhà máy đường An Khê.

 

Từ đầu vụ đến nay trên địa bàn huyện Kbang đã  có 25 ha mía bị cháy, ước thiệt hại của các hộ trồng mía gần 210 triệu  đồng. Hiện toàn huyện còn trên 4.000 ha mía chưa được thu hoạch, tập trung ở các xã Kông Bờ La, Tơ Tung, Đăk Hơ Lơ, Kông lơng Khơng và xã Đông. Tăng cường các biện pháp phòng chống cháy mía cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại địa phương.

 

Qua trao đổi ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng NN- PTNT  Huyện Kbang cho biết: Tiến độ thu hoạch mía trên địa bàn diễn ra khá chậm. Với một diện tích mía khá lớn đang còn chưa thu hoạch, huyện cũng đã chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác phòng chống cháy mía và phối hợp với các nhà máy đường trong việc thu mua để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

 

Thông tin từ ngành chức năng cũng cho biết thu nhập của người trồng mía trên địa bàn huyện Kbang giảm sút so với các năm trước do nhiều nguyên nhân. Ông Đoàn Thanh Hùng cho biết thêm: Thu nhập của người trồng mía năm nay giảm sút. Giảm sút do nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan là do giá đường giảm thấp, lượng đường tồn kho do khó tiêu thụ. Còn về nguyên nhân chủ quan là các nhà máy đường trừ tạp chất cao, giảm giá cước vận chuyển và đánh giá chữ đường thấp. Do vậy chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh nên tổ chức thanh kiểm tra việc đánh giá chữ đường của các nhà máy.

 

 “Giá đường giảm thấp, lượng đường tồn kho cao là những vấn đề thực tế mà ngành mía đường đang phải đối mặt. Đây cũng  là áp lực của cả doanh nghiệp và người trồng mía đối với việc tìm lời giải cho bài toán lợi nhuận. Thế nhưng nhà máy vẫn giữ giá thu mua mía nguyên liệu cao và ổn định suốt vụ ép cho nông dân và

việc đánh giá chữ đường thấp là vấn đề chưa từng xảy ra tại nhà máy”… Đây là những thông tin được đại diện lãnh đạo nhà máy đường An Khê- một trong những đơn vị được quy hoạch vùng nguyên liệu có diện tích chiếm khá cao ở các huyện, thị xã phía đông nam của tỉnh khẳng định với chúng tôi. Ghi nhận từ các tài liệu lưu trữ tại nhà máy cũng cho thấy từ đầu vụ ép đến nay, chữ đường cao nhất  được ghi nhận là 11, 52 và chữ đường thấp nhất là 9 chữ, chưa có trường hợp nào  ghi nhận dưới 9 chữ đường. 

Ông Nguyễn Hữu Đức-PGĐ Nhà máy đường An Khê khẳng định: Chúng tôi khẳng định không có việc đánh giá chữ  đường không đúng thực tế, và chưa hề có trường hợp nào chữ đường được ghi nhận dưới  9 chữ đường.

 

Về vấn đề thu mua mía cho nông dân,  nhà máy đường  An Khê cũng cho biết do đầu tư dây chuyền thiết bị nâng công suất nên sản lượng mía ép trong toàn vùng tăng cao.Tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2014, nhà máy đã thu mua 835 ngàn tấn mía cây nguyên liệu trong toàn vùng, tăng hơn 139 ngàn tấn so với cùng kỳ niên vụ trước. Riêng tại huyện Kbang, tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2014, nhà máy đã thu mua 259 ngàn tấn mía cây nguyên liệu, tăng hơn 54 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Với tiến độ trên, nhà máy sẽ kết thúc vụ ép chậm nhất vào cuối tháng 4 năm 2014.

 

Ông Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm: Với việc hai dây chuyền hoạt động ổn định và đảm bảo, vụ ép năm nay chúng tôi đã tăng sản lượng mía ép trong toàn vùng. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện công suất ép nói trên và cam kết là sẽ thu mua hết mía nguyên liệu trong toàn vùng chậm nhất đến 30 tháng 4.

 

Trước những thách thức của ngành mía đường, để giải quyết hài hòa lợi nhuận của doanh nghiệp và người trồng mía,  thiết nghĩ việc tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía trên vùng nguyên liệu để tăng thu nhập cho người trồng mía là giải pháp mang tính quyết định.

Kim Dung- Hồng Uyên


Lượt xem: 52

Trả lời