Giá cà phê tăng cao kỷ lục: Nguyên nhân từ đâu?

Cập nhật 15/3/2024, 06:03:17

Kể từ đầu niên vụ thu hoạch cà phê 2023 – 2024, thị trường đã ghi nhận sự biến động tăng không ngừng của mặt hàng này. Đến nay, với mức giá dao động khoảng 90 nghìn đồng/kg, cà phê đã lập nên kỷ lục giá mới chưa từng có trong lịch sử. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến giá cà phê liên tục tăng và liệu người trồng cà phê có thực sự được hưởng lợi từ sự tăng giá này hay không, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện này qua phóng sự sau: “Giá cà phê tăng cao kỷ lục: Nguyên nhân từ đâu?”

Theo dõi thị trường, thấy giá cà phê tăng lên hàng ngày, anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa thật sự vui mừng, đồng thời khá bất ngờ trước những biến động không ngừng về giá của mặt hàng này trong niên vụ 2023-2024. Là người vừa trực tiếp trồng, vừa tham gia hoạt động chế biến cà phê, anh Công cho rằng, sự tăng giá của mặt hàng cà phê hiện nay đang mang lại niềm vui và cơ hội mới cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Tấn Công – Giám đốc HTX NN & DV Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: “Chắc chắn là người nông dân có hưởng lợi, nhưng mà ở mức độ hưởng lợi như thế nào thôi. Tuỳ vào từng hộ gia đình, tuỳ vào từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù bán sớm thì bà con vẫn có được giá cao, còn đỉnh điểm thì câu chuyện khác hơn. Giá đỉnh điểm như hiện nay có thể không nhiều hộ được hưởng nhưng bà con vẫn được giá cao hơn nhiều so với các năm trước.”

Từ đầu niên vụ 2023-2024, giá cà phê đã bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh và đạt đỉnh cao nhất trong khoảng 1 tuần qua. Nếu giá cà phê đầu niên vụ 2023-2024 ở mức khoảng 60.000 đồng/kg, thì thời điểm này đã trên 90.000 đồng/kg; giá xuất khẩu cà phê từ 2.500-2700 USD/tấn đã tăng lên khoảng 3.000-3.500 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê cả nước giảm 17-20%. Tại Gia Lai, sản lượng cà phê giảm từ 28-30%. Cũng theo đánh giá của Vicofa, còn đến 7 tháng nữa mới đến niên vụ thu hoạch mới nhưng lượng tồn kho cà phê cả nước hiện chỉ còn khoảng 565.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường dự kiến khoảng 1 triệu tấn, như vậy sẽ thiếu hụt nguồn cung khoảng 400.000 tấn.

Ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Tháng năm năm ngoái sản lượng đã giảm rồi, do chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang cây trồng khác khoảng 5 nghìn ha, sản lượng đã mất khoảng 120 nghìn tấn rồi/ Thứ hai là mất mùa/ Việc tăng giá này mang lại rất nhiều lợi ích cho ngành hàng cà phê, mặc dù sản lượng giảm nhưng giá trị mang về rất cao. Người nông dân năm nay hưởng lợi trọn vẹn từ cà phê, những năm trước họ bán hết rồi giá mới tăng, nhưng năm nay, giá tăng ngay từ đầu mùa.”

Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện nay với sản lượng thiếu hụt, mặt hàng cà phê sẽ có khả năng tăng tiếp tục tăng, sau đó mới giảm trở lại và chắc chắn sẽ được thiết lập một mặt bằng giá mới tốt hơn rất nhiều so với mức giá 40-45 ngàn đồng/kg như trước đây.

Những tín hiệu lạc quan từ ngành hàng cà phê đã mang đến kỳ vọng về tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong năm 2024. Bởi cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 167 triệu USD, riêng xuất khẩu cà phê đạt 115 triệu USD. Cùng với cà phê, hiện nay, ngành chức năng của tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá của tỉnh trong thời gian tới, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực.

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai trao đổi: “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, UKFTA, RCEP…Đặc biệt là nâng cao chất lượng tuyên truyền về các thị trường, giá cả các loại hàng nông sản nhằm mở rộng thị trường, tăng quy mô, giá trị các mặt hàng xuất khẩu.”

Cà phê tăng giá không chỉ mang đến niềm vui cho người dân, doanh nghiệp mà còn tạo động lực để hoạt động sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đi vào ổn định, bền vững. Hiện nay, các địa phương đang tập trung thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh bằng những loại giống mới, chất lượng cao để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê của tỉnh. Đồng thời xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Ngọc Hà – Viễn Khánh – R’Piên


Lượt xem: 8

Trả lời