Giá cà phê giảm thấp, nhiều nông dân không mặn mà với vườn cây

Cập nhật 26/5/2020, 08:05:31

Cà phê từng được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân trong tỉnh, thế nhưng hiện tại nhiều người lại không còn mấy mặn với cây trồng này bởi giá cả bấp bênh, liên tục duy trì ở mức thấp. Đặc biệt là đối với những vườn cây già cỗi, năng suất thấp thì với mức giá thấp như thời gian qua, hầu như người trồng không có lãi.

Anh Lê Xuân Thủy hiện là công nhân của Nông trường cà phê Ia Bă thuộc Công ty Cổ phần cà phê Gia Lai. Anh Thủy cho biết, vườn cà phê này đã hơn 20 năm tuổi nên năng suất chỉ bằng một nửa so với các vườn khác, trung bình chỉ đạt từ 9 – 11 tấn quả tươi/ha, tương đương hơn 2 tấn cà phê nhân xô. Năng suất đã thấp lại thêm giá cà phê cũng giảm, thời gian qua chỉ trên dưới 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nộp khoán cho công ty, công nhân không có lãi. Chính vì vậy mà không ít người đã bỏ vườn cây đi tìm việc làm khác để trang trải cuộc sống gia đình.

Anh Thủy cho biết: “Đối với công nhân cảm thấy chán nản, bỏ rất nhiều để đi làm thuê. Đó là điều đáng tiếc đối với công ty cũng như người lao động đã gắn bó mười mấy năm. Giá cả cà phê như các năm trước ổn định nhưng năm nay biến động thất thường lên xuống. Người lao động gặp khó khăn, không có điều kiện để đầu tư vào vườn cây”.

Với nhiều công nhân bỏ vườn là điều không ai muốn nhưng trong  tình thế càng làm càng lỗ, thậm chí là nợ nần thì cũng đành chấp nhận phải bỏ vườn.

Chị Nguyễn Thị Mừng – Công nhân Chi nhánh Ia Bă – Công ty Cổ phần cà phê Gia Lai cũng nói: “Do giá cả cà phê xuống thấp, trong khi giá phân vẫn cứ cao, mua vào đầu tư lỗ. Đầu tư bây giờ là công nhân mua nợ đầu mùa mưa đến cuối năm thu hoạch thì trả, trừ sản nộp cho nông trường thì công nhân chẳng còn gì, thậm chí còn âm nữa. Có thể phải đi vay mượn ở ngoài để nộp cho công ty”.

Từ cái khó này lại kéo theo nhiều cái khó khác. Để bù lại giá thấp thì năng suất cà phê phải đạt cao, mà muốn như vậy phải thực hiện tái canh. Thế nhưng trong điều kiện khó khăn như hiện nay, công nhân không có khả năng tài chính để thực hiện tái canh.

Ông Ngô Quang Hùng – Trưởng Chi nhánh cà phê Ia Bă – Công ty CP cà phê Gia Lai nêu: “Nếu cho đất nghỉ 2 năm cộng với 3 năm kiến thiết , như vậy là 5 năm, đến năm thứ 6 mới thu được sản phẩm thì với giá thành như hiện nay thì sản phẩm làm ra rất khó để thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Tái canh nếu không thực hiện đúng quy trình thì cũng khó thành công mà nếu thực hiện đúng quy trình…thì thu hồi vốn cả là vấn đề nếu giá cả cứ như hiện nay”.

Đây cũng là thực trạng chung của một số công ty cà phê khác trên địa bàn tỉnh. Vườn cây già cỗi, năng suất thấp, công nhân càng làm càng lỗ mà muốn tái canh để tăng năng suất vườn cây, bù lại giá cà thấp thì công nhân không có khả năng….Từ những khó khăn đó, việc công nhân bỏ vườn là điều khó tránh khỏi.

Ông Phạm Văn Cường – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật – Công ty Cổ phần chè Biển Hồ cũng cho biết: “Với năng suất bình quân của doanh nghiệp tầm từ 12- 13 tấn quả tươi/ha, chế biến ra hơn 2 tấn cà phê nhân xô, làm ra không đủ giá thành sản phẩm. Công ty có 500 công nhân là ĐBDTTS, với mức thu như thế cả năm, tính ra bà con không có lãi nên phải bỏ vườn đi làm thuê, làm mướn để kiếm thu nhập hàng ngày nên kéo theo vườn cây không được chăm sóc, từ đó lại càng già cỗi càng tụt năng suất”.

Để khắc phục những khó khăn trên, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận chương trình vay vốn thực hiện tái canh cây cà phê, vốn là một trong những thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 45

Trả lời