Dự án phát triển trẻ thơ diện-Nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh

Cập nhật 17/4/2019, 13:04:45

Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (Unicef) tài trợ không hoàn lại được khởi động từ ngày 21/3/2108 tại 9 xã thuộc 3 huyện: Kbang, Krông Pa và Mang Yang. Với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện với 4 hợp phần chính gồm: Chính sách xã hội, Bảo vệ trẻ em, Vì sự sống còn và Phát triển của trẻ em và hợp phần giáo dục, dự án đã góp phần mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các địa phương.

Lựa chọn thực phẩm, chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho con ngay từ những năm đầu đời là điều nhiều bà mẹ, hầu hết là đồng bào DTTS ở xã Ayun, huyện Mang Yang được cán bộ y tế xã hướng dẫn kĩ càng thông qua hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, từ tháng 3/2018, với nhiều hỗ trợ thiết thực từ Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD), công tác truyền thông về dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em tại địa phương đã có thêm nhiều chuyển biến tích cực.

Chị Hnon, Làng Ta dum, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: Đây là lần thứ 2 tôi tham gia hoạt động dinh dưỡng cho trẻ. Hoạt động giúp cho tôi biết cách chăm sóc cho con hơn, biết được nhiều điều về dinh dưỡng, biết được đồ ăn sạch nữa.

Chị Nguyễn Thị Hoa – Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai nói về nội dung triển khai dự án trên địa bàn: “Vấn đề mà Trạm truyền thông đến cơ sở là chăm sóc phụ nữ và trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Từ lúc bà mẹ mang thai cho đến khi trẻ sinh ra trong vòng 24 tháng phải chăm sóc đặc biệt cho trẻ. Trong thời gian qua chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng mang lại hiệu quả rất cao, đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể,trong đó có Unicef”.

Cùng với hoạt động truyền thông về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ và bà mẹ, các xã thuộc dự án còn được Unicef hỗ trợ các hoạt động về truyền thông, tập huấn trên các lĩnh vực giáo dục, bảo vệ trẻ em, chính sách xã hội… Từ đây, một số mô hình hay đã được xây dựng và tạo sức lan tỏa trong xã hội như: CLB Phát triển trẻ thơ toàn diện, Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng tại 4 trường mẫu giáo… Trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến mô hình Thư viện thân thiện tại Trường Mẫu giáo xã Sơn Lang.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai trao đổi: “Từ khi thư viện đi vào hoạt động thì rất có hiệu quả, trước hết là nâng cao nhận thức của phụ huynh về giáo dục mầm non./Đặc biệt, trẻ ở điểm làng rất nhút nhát, thấy người lạ trẻ khóc, không chịu hợp tác với cô. Nhưng từ khi thư viện hoạt động, trẻ bây giờ rất mạnh dạn tự tin. Các cấp chính quyền cũng nhìn nhận đây là mô hình rất có hiệu quả đối với trường”.

Đến cuối năm 2018, dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh đã triển khai 32 hoạt động, đạt 69,5% kế hoạch. Từ những hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực, chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, thực hành của cán bộ tại các cơ sở y tế, trường học, hệ thống bảo vệ trẻ em, học sinh, phụ huynh và cộng đồng về Phát triển trẻ thơ toàn diện cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi, đặc biệt hơn thông qua các hoạt động cũng đã nhận được sự quan tâm vào cuộc và đánh giá cao của chính quyền các địa phương.

Ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Ia Mlah, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện về với xã tôi đã tạo động lực cho cán bộ, nhân dân chúng tôi tham gia, góp phần vào giúp cho các cháu trẻ thơ sau này có hành trang vào đời phát triển toàn diện hơn.  Chúng tôi quyết tâm xây dựng dự án này thành công tốt đẹp, nhân rộng các mô hình này ra”.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Unicef  tại Việt Nam đánh giá: “Tôi thấy những thành tựu dự án đạt được rất ấn tượng và cho rằng điểm mạnh để mang đến thành công chính là sự phối hợp giữa các bác sỹ, y tá, các cô giáo và các bên liên quan khác như thành viên cộng đồng, phụ huynh. Trong thời gian tới, theo tôi điều quan trọng nhất là cần tập trung vào những đối tượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ DTTS, trẻ khuyết tật. Thứ 2, việc cung ứng dịch vụ phải tập trung vào các đối tượng có liên quan đến nhau như trẻ trong gia đình nghèo đa chiều, về nước sạch, giáo dục”.

Trong năm 2019, Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tại Gia Lai được Unicef tại Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai ký với ngân sách ODA dự kiến 561.000 USD, trong đó ngân sách địa phương đối ứng là 1,940 tỷ đồng. Để tiếp tục đạt hiệu quả cao, dự án sẽ tập trung triển khai các hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường giám sát các hoạt động ở cơ sở; đồng thời phối hợp với các chương trình của Unicef tại Việt Nam và các hợp phần triển khai tại các huyện, xã vùng dự án để lồng ghép và tổng hòa các can thiệp một cách hiệu quả nhất./.

Ngô Thanh, Minh Trung

 


Lượt xem: 152

Trả lời