Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên hỗ trợ dân nghèo huyện Ia Pa phát triển lúa nước.

Cập nhật 22/2/2016, 13:02:39

Nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã triển khai các hợp phần phát triển tại các địa phương  theo lộ trình kéo dài đến năm 2019 . Trong hợp phần phát triển kết cấu hạ tầng cấp xã và thôn, nhiều xã khó khăn của huyện Ia Pa được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ cho việc sản xuất của bà con nơi đây.

Giờ kênh mới đã được đầu tư thuận lợi hơn cho bà con lấy nước, tăng năng suất

Khô hạn, không có nước gieo sạ lúa trong mùa khô là tình trạng chung của các thửa ruộng trên cánh đồng ở xã Ia KDăm, huyện Ia Pa trong những mùa trước. Nhưng nay thì đã khác, bà con nông dân đã chủ động được nguồn nước tưới, yên tâm sản xuất lúa nước 2 vụ, là nhờ vào nguồn vốn của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây mới và nâng cấp 1 km kênh nhánh phục vụ cho bà con sản xuất.

Chị Rô H’Nap, thôn Plei Kdăm 1, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa cho biết:  “Trước đây không có nước để gieo sạ lúa nên muốn xuống giống chỉ đợi đến mùa mưa. Không chủ động được nguồn nước tưới nên lúa năng suất thấp. Giờ có kênh mương rồi mình mừng lắm.”

 Không chỉ tại xã Ia Kdăm mà trên toàn huyện Ia Pa đã có hơn 3 km kênh mương được kiên cố hóa trong năm 2015 với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của dự án. Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, các hộ nghèo còn được hỗ trợ lúa giống, phân bón và khoa học kỹ thuật góp phần thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất cây trồng.

Anh Hoàng Vũ Vinh, hướng dẫn viên cộng đồng xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa cho biết: “Mục tiêu của Dự án là cải thiện sinh kế cho bà con trong đó có đầu tư về cơ sở hạ tầng và 1 số mô hình đa dạng hóa sinh kế cho bà con. Về kinh tế hạ tầng thì tập trung vào chương trình phục vụ cải thiện năng suất cũng như kỹ thuật. Riêng về phần các mô hình của bà con thì Dự án đầu tư chú trọng tập trung vào kiến thức, kỹ thuật sản xuất, quy trình công nghệ làm sao để năng suất ngày càng được nâng cao.”

 Là một thành viên của Ban phát triển xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa anh Nay Phôn cho biết:  “Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư cho địa bàn mình là thủy lợi và nhóm sinh kế. Trước kia chưa có mương thủy lợi, ruộng xa kênh mương nên khó lấy nước, nước thất thoát nhiều. Giờ kênh mới đã được đầu tư thuận lợi hơn cho bà con lấy nước, tăng năng suất”.

Từ việc hỗ trợ, đầu tư của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, người dân nghèo trên địa bàn huyện Ia Pa nói riêng và 5 huyện nghèo của tỉnh Gia Lai nói chung, đã được tạo điều kiện làm ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo./.

 

 

                                                                     

Thúy Diện – Xuân Huy


Lượt xem: 74

Trả lời