Đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay sau ngày giải phóng

Cập nhật 26/4/2024, 16:04:36

Nhiều vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã trở thành căn cứ địa cách mạng, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, cùng với sự đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai đã có bước tiến đáng tự hào trong công cuộc xây dựng và phát triển. Những vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã vươn mình, như được khoát lên chiếc áo mới với nhiều gam màu tươi sáng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gặp không ít khó khăn, thách thức khi vừa khắc phục tàn tích chiến tranh, vừa tập trung kiến thiết, phát triển kinh tế-xã hội; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Gia Lai đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới, tỉnh Gia Lai tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…Từ những chính sách ưu tiên của Nhà nước, nhiều ban, ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương đã có những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở nên triển khai hiệu công tác dân tộc và các chính sách dân tộc.

Bà Siu H’Phiết – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Pưh trao đổi: “Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số rất nhiều. Trong đó có những chương trình hỗ trợ lớn đó là giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; rồi chương trình ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số, như 134, 135, đầu tư xây dựng đường giao thông điện chiếu sáng, trường học…cùng với hỗ trợ nhà nước, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân tham gia các mô hình mới, để nâng cao thu nhập, đời sống bà con người dân vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên…”

Ông Nay Kiên –  Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: “Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư về các hạng mục công trình phục vụ sản xuất vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; hướng dẫn bà con trong sản xuất; Các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, chú trọng hướng dẫn người dân đổi mới phương thức canh tác, chuyển đổi cây trồng-vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất  mang lại hiệu quả kinh tế cao..Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện những năm gần đây liên tục giảm và  đời sống của người dân dần được cải thiện….”

Phát huy các chương trình hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, người dân vùng dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế, áp dụng khoa học vào sản xuất để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm gần đây giảm từ 3-4%/năm, đời sống người dân từng bước nâng cao, diện mạo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng khởi sắc.

Ông Blao – Người dân xã Hòa Phú, huyện Chư Păh cho biết: “Vườn này gia đình mình lúc trước chỉ trồng cà phê mít và bời lời nên thu được ít lắm. Mình được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng và vay vốn chuyển sang trồng cây cà phê vối, mình cứ chuyển dần dần vài trăm cây, vài trăm cây và nay thì hơn 1.600 cây rồi. Mình trồng xen thêm cây ăn quả nữa, bây giờ có đủ các loại, thu nhập cũng khá…”

Chị Kpăh H’Len – Người dân xã Bàu Cạn, huyện Chư Prôngchia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ làm lúa rẫy và trồng bắp. Thực hiện thay đổi nếp nghĩ cách làm, gia đình mình làm cà phê giống mới, trồng thêm chanh dây nữa. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên các vườn cây của mình đạt năng suất cao, có thu nhập ổn định…”

Nhờ đầu tư của nhà nước và nỗ lực của bà con tại địa phương, kinh tế vùng nông thôn đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây tiếp tục là điểm tựa để phát triển các vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.

Ông Trường Trung Tuyến – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thông tin: “Thời gian qua, Ban Dân tộc chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho người nghèo là dân tộc thiểu số phát triển trồng trọt chăn nuôi. Nhờ phối kết hợp các chương trình xoá đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số hằng năm đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh đề ra, góp phần từng bước nâng cao đời sống nguồi dân….Là cơ quan thường trực, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo; đồng thời phối hợp với các sở, ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đưa ra, nhằm tiếp tục nâng cao về đời sống kinh tế người dân vùng dân tộc thiểu số…”

49 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh nhà, diện mạo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Những con đường giao thông nông thôn được trải nhựa phẳng lì, nhiều ngôi nhà mới kiên cố khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của các loại cây trồng… minh chứng về sự thay đổi, ấm no, đủ đầy. Nhân dân vùng dân tộc thiểu số luôn một lòng theo Bác, theo Đảng, hăng say lao động sản xuất, đoàn kết chung tay xây dựng thôn, làng ngày càng giàu đẹp./.

Ngọc Ánh – Huy Toàn


Lượt xem: 3

Trả lời