Độc đáo “Khăn quàng cổ Brưng”

Cập nhật 06/3/2024, 16:03:29

Thời gian qua, chị Trần Thị Bích Ngọc (Công chức Văn hóa – Xã hội xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) và những nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) đã cho ra mắt sản phẩm “Khăn quàng cổ BRƯNG”. Đây là sản phẩm với những nét độc đáo riêng có của thổ cẩm Bahnar; là một trong số 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao vừa được UBND huyện Kbang trao chứng nhận.

“Đa dạng hóa sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống, tạo ra sinh kế giúp cải thiện đời sống phụ nữ Bahnar” là mong muốn mà chị Trần Thị Bích Ngọc ấp ủ từ lâu. Năm 2023, chị Ngọc tập hợp những nghệ nhân tài hoa và tâm huyết nhất của làng Kgiang đề xuất ý tưởng sáng tạo sản phẩm mới, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh… nhằm tạo ra sản phẩm thổ cẩm theo hướng sản xuất hàng hóa để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Chị Trần Thị Bích Ngọc – Công chức Văn hóa – Xã hội xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang nói: “Truyền thống dệt rất đặc trưng, tuy nhiên cũng công phu và mất nhiều thời gian của bà con. Vấn đề là phải tuyên truyền, vận động bà con, mang giá trị văn hóa của mình ra giới thiệu với mọi người. Với sự đồng tình thì các cô, các chị ở đây đã cố gắng vượt qua và thực hiện được sản phẩm “Khăn quàng cổ BRƯNG”.”

“Khăn quàng cổ BRƯNG” được sản xuất từ 100% bông vải tự nhiên; có kích thước dài 150cm, rộng 50cm. Chiếc khăn có màu nền đen là chủ đạo, điểm xuyết dải hoạ tiết thổ cẩm với đa dạng sắc màu. Ở 2 đầu khăn có đường dây tua rua tết đuôi sam đẹp mắt. Để làm nên những chiếc khăn trải qua đầy đủ quy trình dệt thổ cẩm truyền thống, từ thu hoạch bông, se sợi, nhuộm màu thủ công, tạo khung, căng chỉ, tiến hành dệt theo ý tưởng định sẵn…

Vẻ đẹp của họa tiết chính là điểm nhấn của “Khăn quàng cổ BRƯNG”. Vẻ đẹp đó đến từ bàn tay tài hoa của người thợ dệt và cách nhuộm màu dân gian, như lá Trum và vỏ ốc nướng là nguyên liệu chính để tạo màu đen, cây Tơ Nung cho màu đỏ, củ Kơ Trơng để tạo màu vàng, và màu trắng nguyên bản từ sợi bông tự nhiên. Tất cả đã mang đến cho chiếc khăn nhiều vẻ đẹp độc đáo, gần gũi với thiên nhiên.

Chị Đinh Thị Hái – Chủ hộ kinh doanh sản phẩm “Khăn quàng cổ BRƯNG” nói: “Trên thổ cẩm Bahnar có rất nhiều họa tiết được chúng tôi gọi tên như Yăleh, Yăsơk, Kơteh, Brưng…Trong đó “Brưng” là tổ hợp họa tiết đẹp nhất, khó làm nhất. Chị nào dệt được họa tiết “Brưng” thì có thể dễ dàng dệt được những họa tiết còn lại, và nó có thể được xem là đại diện cho nét đẹp độc đáo của thổ cẩm Bahnar. Chính vì thế chúng tôi chọn “BRƯNG” để đặt tên cho nhãn hiệu khăn quàng cổ đăng ký sản phẩm OCOP .”

Sau khi gắn nhãn, đóng gói sản phẩm, một chiếc khăn được bán ra thị trường với giá 700.000 đồng. Năm 2023 vừa qua, chị Ngọc và các nghệ nhân đã bán được 15 chiếc khăn với doanh thu 10,5 triệu đồng; nhóm đặt ra mục tiêu năm 2024 tiêu thụ được 50 chiếc với tổng doanh thu 35 triệu đồng, năm 2025 phấn đấu đạt 100 chiếc với doanh thu 70 triệu đồng.

Được biết, “Khăn quàng cổ BRƯNG” là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Kông Lơng Khơng và là sản phẩm thổ cẩm đầu tiên trong tỉnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Trần Văn Nhơn – Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang trao đổi: “Thứ nhất nó mang tính bảo tồn bản sắc văn hóa của người đồng bào DTTS nơi này; làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương; và là điều kiện để bà con có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Chúng tôi sẽ thành lập một câu lạc bộ về dệt thổ cẩm “Khăn quàng cổ BRƯNG”. Đây là nền tảng bước đầu để chúng tôi định hướng nâng lên thành Nông hội về dệt thổ cẩm, không chỉ “Khăn quàng cổ BRƯNG” mà các sản phẩm khác nữa của đồng bào Bahnar để đa dạng sản phẩm. Hiện nay chúng tôi đã thành lập được 2 Nông hội rồi, việc tiếp tục thành lập thêm 1 Nông hội này để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Đảng ủy đã đề ra.”

Nghệ nhân Đinh Thị Hồng – Làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang chia sẻ: “Làm chiếc khăn này cũng phức tạp và khó như làm một sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Với sản phẩm mới này chúng tôi hi vọng rằng sẽ được người tiêu dùng đón nhận, ủng hộ và tạo điều kiện phát triển, được vậy thì chúng tôi rất vui mừng.”

Ngoài “Khăn quàng cổ BRƯNG”, từ năm 2022 đến nay, qua các dự án được đầu tư tại xã Kông Lơng Khơng, nhiều chị em ở làng Kgiang cũng đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm dệt cách tân, như dải cột đầu, dây đeo tay, hoa tai, móc khóa, túi xách…

Ngoài Khăn quàng cổ BRƯNG, bà con ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng còn có ý thức gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bahnar  như đat lát, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng…Làng cũng là nơi sản sinh ra những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực dân gian như bà Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Lăm, ông Đinh Bi…

Chị Trần Thị Bích Ngọc – Công chức Văn hóa – Xã hội xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang nói: “Làng Kgiang là một làng đang thực hiện vấn đề dệt thổ cẩm rất tốt với nền tảng bà con đã có sẵn về trồng bông, thu hoạch bông, tách bông, nhuộm, các công đoạn dệt…để bảo tồn được vấn đề này cần phát huy hơn nữa về phát triển sản phẩm để đưa ra thị trường, giới thiệu cho du khách đến với sản phẩm dệt.”

Hiện nay, diện mạo làng Kgiang đã có nhiều đổi thay; những con đường bê tông xi măng thẳng tắp được điểm tô vẻ đẹp từ hàng rào xanh, con đường hoa đẹp mắt. Ở đó, hình ảnh những phụ nữ Bahnar cũng thật đẹp khi khoác trên mình trang phục thổ cẩm với những dải họa tiết đặc sắc mang dáng hình của cỏ, cây, hoa, lá, thiên nhiên hùng vĩ…

Qua đây có thể thấy, khi các nghệ nhân của làng quyết tâm vượt qua thách thức, làm mới thổ cẩm của dân tộc thì “Giấy chứng nhận OCOP” đạt 3 sao cho sản phẩm “Khăn quàng cổ BRƯNG” là cơ hội để thổ cẩm Bahnar tiếp cận nhiều hơn với khách hàng yêu thích  những sản phẩm truyền thống.

Hà Duyệt


Lượt xem: 27

Trả lời