Diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật 15/8/2019, 14:08:32

Trước những diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương, cơ sở, hộ chăn nuôi cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng chống nhằm khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cũng như tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. 

Tính đến chiều ngày 13.8, DTLCP đang xảy ra tại 39 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Đức Cơ, Phú Thiện, Krông Pa, Ayun Pa, Ia Pa, Ia Grai, Kbang, An Khê và Pleiku. Trong đó, huyện Phú Thiện DTLCP đã xảy ra  10/10 xã, thị trấn, thành phố Pleiku từ ổ dịch đầu tiên xảy ra vào ngày 3/8 đến nay đã có thêm 2 địa phương là Phường Thắng Lợi và xã Biển Hồ. Số địa phương xảy ra DTLCP không ngừng gia tăng, điều này cho thấy dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp. Vấn đề đáng lo ngại là DTLCP không chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, heo thả rông mà ngay tại Trạm truyền giống gia súc Biển Hồ thuộc phường Yên Thế, thành phố Pleiku cũng không tránh khỏi mặc dù cơ sở đã thực hiện rất nghiêm ngặt quy trình trong chăn nuôi.

Anh Cao Quốc Bình – Phụ trách Trạm truyền giống gia súc Biển Hồ, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Thời gian qua trạm đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch đúng theo quy trình đã được hướng dẫn. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cho đến xây dựng tường rào, che chắn bằng lưới để tránh côn trùng. Đến nay cũng chưa xác định được nguyên nhân vì sao xảy ra DTLCP”.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai  cũng cho biết: “Hiện nay đơn vị vẫn đang phối hợp với cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân gây ra DTLCP. Tuy nhiên dựa trên các yếu tốt gây bệnh với tình hình thực tế tại trạm, cho thấy đây là khu vực có mật độ lưu thông cao, phương tiện thường xuyên qua lại thì không loại trừ quá trình vận chuyển mang theo mầm bệnh và lây lan vào trại”.

Virus gây bệnh DTLCP được xác định thông qua nhiều con đường từ thức ăn, quá trình vận chuyển, thậm chí từ chim trời, các loại côn trùng mang theo mầm bệnh…Đây thật sự là những khó khăn trong công tác phòng chống DTLCP. Như trường hợp của Trạm truyền giống gia súc Biển Hồ (thành phố Pleiku), mặc dù công tác phòng chống đã được thực hiện rất nghiêm ngặt song vẫn không tránh được. Điều này cho thấy, nguy cơ mầm bệnh DTLCP phát tán, lây lan được xác định là rất cao.

“Trong điều kiện DTLCP có những diễn biến phức tạp như vậy, chưa có vắc xin phòng trừ, biện pháp duy nhất vẫn là tăng cường  công tác phòng chống và phải được thực hiện một cách quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn DTLCP lây lan trên diện rộng”, ông Có nói.

 Hiện nay không chỉ các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTLCP mới gặp khó khăn, ngay cả các hộ chăn nuôi khác cũng vậy do việc tiêu thụ giảm mạnh, giá bán lại thấp. Nếu công tác phòng chống DTLCP không được các địa phương, cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa, những thiệt hại về kinh tế và khó khăn của ngành chăn nuôi trong tỉnh sẽ còn nhiều.

Hồng Uyên – Minh Trung – Thanh Sáng

 


Lượt xem: 29

Trả lời