Dịch tả lợn Châu phi với những diễn biến phức tạp

Cập nhật 14/6/2019, 08:06:15

Như vậy sau 1 tháng, tính từ ngày 14.5 ghi nhận bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên tại xã Chư Don, huyện Chư Pưh, đến nay Gia Lai thêm 2 huyện là: Chư Prông và Đức Cơ có DTLCP. Với tốc độ lây lan nhanh như vậy cho thấy, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho Gia Lai vào lúc này là tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng.

Tính đến chiều ngày 12.6, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại khu vực chăn nuôi lợn của 129 hộ ở 30 thôn, làng  của 10 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 1.121 con với trọng lượng hơn là 29, 222 tấn. Với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, tại Hội nghị sơ kết công tác tháng 5 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan ra diện rộng.

Đồng chí Võ Ngọc Thành chỉ đạo: “Trước những diễn biến phức tạp của DTLCP, các địa phương phải nắm chắc tình hình diễn biến để quản lý, xử lý, khoanh vùng dập tắt. Bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan”.

Với tinh thần không để dịch lây lan trên diện rộng, các địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện phòng chống như: Thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại cửa ngõ ra vào vùng dịch cũng như các vùng bị uy hiếp và vùng đệm nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa, động vật ra vào địa bàn. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xuất cấp 3.360 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương, các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời để phun tiêu độc khử trùng; đồng thời triển khai tháng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ ngày 10-6 đến ngày 10-7.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc kiểm soát đàn heo nuôi theo hình thức thả rông. Vì theo nhận định của cơ quan chức năng phần lớn heo chết và mắc bệnh là heo bản địa, heo rừng lại được người dân nuôi theo hình thức thả rông. Do đó, việc kiểm soát mầm bệnh gặp nhiều khó khăn và nguy cơ lây lan là rất nhanh. Trong khi đó theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh có thể xuất phát từ tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và heo mắc bệnh cũng là heo chăn nuôi theo hình thức thả rông.

Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Với địa bàn Đức Cơ, bà con có thói quen chăn nuôi thả rông nên nguy cơ lây lan là rất nhanh. Từ khi công bố dịch, chỉ có 34 con của 18 hộ, sau 3 ngày đã tiêu hủy 245 con của 55 hộ gia đình tại Ia Kla. Đây là một trong những khó khăn trong việc phòng dịch trên địa bàn huyện. Vì vậy huyện chỉ đạo các xã vận động bà con thực hiện nuôi nhốt, mua vôi khử trùng, phun tiêu độc khử trùng trên toàn huyện. Nếu nuôi nhốt thì việc phòng dịch sẽ thuận lợi hơn, còn bà con không làm chuồng trại thì khi xảy ra dịch bệnh buộc phải tiêu hủy cả đàn lợn nên thiệt hại là rất lớn”.

Với tổng số đàn heo hơn 46 ngàn con, nếu Gia Lai không thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh,  thì thiệt hại kinh tế là rất lớn, đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh vào tình thế khó khăn cùng hàng loạt hệ lụy khác liên quan đến sinh kế, cuộc sống của người dân.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 18

Trả lời