Đến thăm các làng nghề truyền thống ở huyện Đak Đoa

Cập nhật 01/7/2020, 08:07:26

Nằm cách TP.Pleiku hơn 20 km, huyện Đak Đoa có hơn 50% dân số là người DTTS, chủ yếu là đồng bào Bana và Jrai. Cùng với những nét văn hóa hết sức đặc sắc, từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở địa phương còn lưu giữ những nghề truyền thống của tổ tiên. Không chỉ trao truyền, tiếp nối qua bao thế hệ, nhiều bà con còn phát huy nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại để có thêm thu nhập. Tiếp sau đây, mời quý vị và các bạn cùng đến thăm làng nghề đan lát và dệt thổ cẩm để hiểu hơn về nét văn hóa hết sức độc đáo của người dân bản địa nơi đây.

Năm nay gần 70 tuổi nhưng ông Sêl ở làng NgLâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề đan lát. Nghề truyền thống này đem lại cho ông nhiều niềm vui trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là lúc về già khi sức khỏe không còn dẻo dai và nhanh nhẹn như trước. Ngoài việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống mà cha ông truyền dạy, từ việc đan những chiếc gùi như thế này cũng đem lại cho ông nguồn thu nhập hơn 200 ngàn đồng mỗi ngày.

Ông Sêl cho biết: “Hồi xưa mình 16, 17 tuổi biết đan rồi, từ đó đến đây mình già rồi. Hồi xưa mấy người già tập cho mình đan cái gùi, bố mẹ tập cho mình, trong làng NgLâm Thung mình dạy cho con cháu biết đan gùi. Anh em bà con trong làng theo mình làm cái gùi để kiếm ăn, một số để bán”.

Cứ những người lớn tuổi truyền nghề cho thế hệ trẻ mà hầu hết đàn ông, nam thanh niên ở làng NgLâm Thung đều biết đan lát. Tùy theo đơn đặt hàng của khách hay tranh thủ lúc mùa màng rảnh rỗi, những người đàn ông này lại làm những chiếc gùi để sử dụng trong gia đình và bán cho khách hàng. Tuy không tốn nhiều sức lực nhưng nghề đan lát đòi hỏi sự tỉ mẫn trong từng khâu chọn lựa nguyên liệu để đan đến khâu sơn, phối màu và làm hoa văn. Qua đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, tỉ mẫn, nhiều chiếc gùi đẹp mắt, chắc chắn đã được hoàn thiện và trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt không chỉ của đồng bào Bana, Jrai mà còn nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh.

Ông Bat – Thôn NgLâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ: “Hồi trước chặt cây giờ có nứa để làm cái gùi này .  Mình tự nghiên cứu, trước thấy ông già xưa làm đó. Hồi trước sơn phải tìm màu nhưng giờ có nhiều loại sơn, người ta bán sơn mình mua để sơn”.

Ông HYới -– Thôn NgLâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, Gia Lai cũng nói: “Lồ ô mình chẻ xong mình phơi, phơi khô thì mình sơn. Sơn trước mình đan sau. Mình nghiên cứu làm bông hoa người ta thích, làm thường thì mình làm. Người ra đặt lớn nhỏ, kích cỡ, kiểu cỡ, màu trắng, vàng, đỏ thì mình đan theo người ta đi mua. Một tuần đan từ thứ 2 đến thứ 7, Chủ nhật  người ta đi mua thì mình có tiền”.

Nếu như đàn ông ở làng NgLâm Thung, xã Ia Pết được biết đến là những người tài hoa trong việc đan lát thì nhiều năm nay, phụ nữ ở xã Glar lại nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. 13 năm qua, Hợp tác xã dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập đã thu hút hơn 100 chị em thuộc nhiều lứa tuổi tham gia. Ngoài sản phẩm phong phú, hoa văn đẹp mắt, các chị em còn sáng tạo và khéo léo kết hợp giữa hoa văn truyền thống với hoa văn hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng. Tùy theo từng sản phẩm, hoa văn, mỗi sản phẩm có giá từ 100.000 đến 1,6 triệu đồng.

Bà Mlop – Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Khách mua nhiều loại túi xách lớn nhỏ, đủ màu… Bán được túi xách thì các chị em trong hợp tác xã cũng cảm thấy rất mừng vì quảng bá hoa văn của dân tộc, giữ nghề truyền thống, mình cũng cố gắng tạo ra nhiều mẫu mới để bán cho nhiều khách mua”.

Tự hào với nghề truyền thống mà tổ tiên đã truyền lại, đồng bào DTTS ở huyện Đak Đoa đã và đang phát huy các giá trị của nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại nhằm góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến với du khách muôn phương. Ngoài việc đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến thăm các làng nghề, những chiếc gùi, chiếc khăn, váy áo, túi xách… thổ cẩm chính là những tặng phẩm du lịch đặc sắc của huyện Đak Đoa, qua đó giúp du khách có thêm những ấn tượng khó quên về đất và người nơi đây./.

Thiên Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 370

Trả lời