Đầu tư có trọng điểm cho ngành giáo dục vùng khó

Cập nhật 30/8/2019, 08:08:34

Tổng số học sinh tăng lên qua từng năm học đặt ra yêu cầu đầu tư xây dựng thêm trường lớp học hằng năm. Chính vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất trước thềm năm học mới là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên. Tuy nhiên, với điều kiện còn nhiều khó khăn, việc đầu tư này ở nhiều địa phương thường gặp chung tình trạng “mỗi nơi một ít”, hiệu quả không cao.  Trong tình hình chung đó thì việc đầu tư có trọng điểm, lựa chọn những nơi cần nhất để đầu tư tập trung, giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng liên quan đến cơ sở vật chất như cách làm của Ngành GD – ĐT huyện Kông Chro rất đáng ghi nhận.

15 tỷ đồng là con số hiếm thấy khi đầu tư kinh phí xây dựng cho một đơn vị trường học trước thềm năm học mới, nhất là với một địa phương còn nhiều khó khăn như Kông Chro. Thế nhưng, để chuẩn bị năm học 2019 – 2020 này, huyện Kông Chro có đến 3 đơn vị được chọn để đầu tư tập trung như vậy.

Ông Đỗ Xuân Dũng – Phó trưởng Phòng GD & ĐT huyện Kông Chro cho biết: “Theo quan điểm của ngành thì ngành đã tham mưu cho huyện đầu tư trọng điểm chứ không dàn trải như trước đây. Có nghĩa là đầu tư ở đơn vị nào thì theo hướng đạt chuẩn trường đó, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.Thời gian tới ngành tham mưu với huyện trên cơ sở các CT XD nông thôn mới và xây dựng trường chuẩn tiếp tục đầu tư CSVC cho các trường theo hướng chuẩn. Từ CSVC đó tạo tiền đề để nâng cao chất lượng đặc biệt là vùng khó trên địa bàn còn nhiều khó khăn như Kong Chro”.

8 phòng học, 6 phòng bộ môn, 1 nhà đa năng và 1 khu vệ sinh là niềm phấn khởi rất lớn đối với tập thể thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến ở quê hương cách mạng xã Chư Krey, huyện Kông Chro. Đây là một trong 3 đơn vị trường học được đầu tư theo hướng trọng điểm đợt này. Mặc dù công trình chưa kịp hoàn thành trước thềm năm học mới nhưng đó vẫn là một động lực để thầy và trò nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ dạy tốt, học tốt và quyết tâm đạt được các

Thầy giáo Nguyễn Mộng Cường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH – THCS Nguyễn Khuyến, Chư Krey huyện Kông Chro nói: “Sau khi hoàn thiện hết CSVC, mục đích của nhà trường là xây dựng về mặt chất lượng để đạt trường chuẩn quốc gia và xây dựng trường bán trú cả 2 cấp học TH – THCS trong tương lai. Đặc biệt khi hoàn thành sẽ làm 1 khu tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em”.
Ngoài các trường vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS thì các trường đang phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia cũng là một trong các tiêu chí để lựa chọn cho việc đầu tư tập trung.

Cô giáo Phạm Thị Nhâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, thị trấn Kong Chro, huyện Kông Chro chia sẻ: “Để xác định đạt trường chuẩn quốc gia, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường phải nỗ lực phấn đấu. Cuối năm học 2018 – 2019, được sự quan tâm của các cấp để đầu tư cơ sở vật chất. Vừa rồi xây thêm 2 phòng học, 1 phòng giáo dục thể chất và 1 bếp ăn tập thể khang trang. Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang và đẹp thế này thì cả nhà trường và phụ huynh đều rất mừng. Để đạt chuẩn quốc gia trường phải nỗ lực phấn đấu để không phụ lòng tin tưởng của Đảng, Nhà nước”.

Điều đáng ghi nhận là sự đầu tư này đã tạo nên cú hích để nhiều đơn vị không chỉ làm tốt về nhiệm vụ chuyên môn mà còn tăng cường trách nhiệm trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho nhà trường. Khi nhà nước và nhân dân cùng chung một mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tin chắc rằng sự nghiệp trồng người dù là ở các địa phương vùng khó cũng sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng./.

Hoà Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 54

Trả lời