Đầu tư cho hoạt động ngoại khóa

Cập nhật 17/1/2020, 16:01:55

Chỉ cách đây khoảng 5 năm, đối với địa bàn tỉnh Gia Lai, có thể thấy, các chương trình, hoạt động ngoại khóa dường như chỉ tập trung ở bậc học mầm non và các cấp tiểu học hay THCS. Còn ở cấp THPT nếu có chỉ là những hoạt động theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Không chỉ số lượng đếm trên đầu ngón tay mà cả chất lượng của các hoạt động này dường như vẫn còn là vấn đề bỏ ngõ. Thế nhưng, nhận định đó không còn đúng ở hiện tại. Mời quý vị và các bạn cùng tham gia vào một trong những chuỗi hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Pleiku, thành phố Pleiku để cảm nhận rõ nét hơn điều này.

Một chương trình ngoại khóa cho hơn 1.200 em học sinh ở cấp THPT là một áp lực không nhỏ đối với công tác tổ chức. Còn khó hơn khi đó không phải là một hoạt động liên quan đến vận động để dễ dàng tạo sự thu hút cho khán giả mà là một buổi diễn thuyết. Hơn nữa đó lại là một diễn giả ngoại quốc. Tưởng chừng như nhiều trở ngại như vậy sẽ làm nản lòng những người ôm ấp ý tưởng cho hoạt động ngoại khóa lần này nhưng có vẻ như ngược lại, tất cả khá chu toàn trong các khâu từ chuẩn bị đến quá trình tổ chức.

Thầy giáo Nguyễn Đình Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku, TP. Pleiku cho biết: “Mục tiêu hoạt động ngoại khóa lần này nhằm tạo một động lực cho HS học tiếng Anh nhất là khi trong thời điểm này môn tiếng Anh đặt nặng vấn đề nghe và nói. Bởi vì tiếng Anh là một công cụ để hội nhập thành công dân toàn cầu cho nên nhà trường muốn học sinh hiểu được ý nghĩa đó để học tập tốt hơn.

Mục tiêu được xác định rõ ràng, chủ đề cũng được thảo luận kỹ càng trước khi lựa chọn. Điều đó giúp cho công việc tổ chức được mạch lạc và suôn sẻ, quan trọng nhất là việc mạnh dạn triển khai nhiều sáng kiến, chẳng hạn như giao cho một học sinh tham gia dẫn dắt chương trình.

Em Trương Nguyễn Thanh Trúc, Lớp 10B5, Trường THPT Pleiku, TP. Pleiku chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em trở thành thông dịch viên trong một buổi ngoại khóa như vậy. Rất là lo lắng chứ, rất run nhưng em nghĩ  đây chỉ là một hoạt động trải nghiệm trong cuộc sống để giúp mình tăng kinh nghiệm sau này”.

Chắc chắn là những người tham gia buổi diễn thuyết đều đã thu hoạch được cho mình những điều mới mẻ, ít nhất là làm rõ được khái niệm về “công dân toàn cầu” – một khái niệm hiện đang được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Lẽ dĩ nhiên, không thể qua 1 buổi nói chuyện là sáng tỏ mọi vấn đề nhưng ít nhất các em học sinh và các bậc phụ huynh cũng biết được một trong những chìa khóa quan trọng để trở thành công dân toàn cầu đó chính là việc học tiếng Anh.

Ông  David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mavin Việt Nam, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam, Trưởng nhóm doanh nghiệp Nông nghiệp VBF cho biết: “Qua chương trình tôi thấy, trình độ TA của học sinh ở đây khá tốt và mong là tôi đã truyền được cảm hứng cũng như động lực để các em học tiếng Anh và trở thành công dân toàn cầu”.

Có thể đánh giá đây là một trong những hoạt động ngoại khóa chất lượng với sự đầu tư trong khâu tổ chức, trong đó có sự cộng đồng trách nhiệm từ phía hội phụ huynh. Điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều trường THPT trong toàn tỉnh đã chú trọng vấn đề này và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa. Đây là tín hiệu vui trong quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện mà Ngành GD – ĐT Gia Lai đang tích cực triển khai./.

Hòa Giang – Viễn Khánh


Lượt xem: 33

Trả lời