Dấu ấn hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai

Cập nhật 30/4/2022, 20:04:38

“Tam nông là chiến lược; nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt” và “Xây dựng Nông thôn mới” có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Đó là tinh thần chung của hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với tinh thần đó, cộng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân, diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Năm 2010, thời điểm cùng với cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Gia Lai có điểm xuất phát thấp với 04 huyện nghèo, đời sống của Nhân dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, với tổng số vốn huy động trên 30.300 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, bằng những cách làm phù hợp, sự đầu tư có trọng điểm theo từng giai đoạn, đến nay, nền kinh tế của tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản chiếm gần 35%; công nghiệp- xây dựng chiếm gần 29%; ngành dịch vụ chiếm gần 36%; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng. Điều đó đã đáp ứng được lòng mong mỏi và kì vọng của Nhân dân – chủ thể của quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông cho biết: “Cơ sở hạ tầng được đầu tư, rồi đời sống sinh hoạt của người dân rất là thuận lợi, giao thông, rồi điện đường trường trạm rất là thuận lợi cho người dân. Cá nhân tôi rất là vinh dự và tự hào khi được sống trong môi trường của một xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cũng cho biết: “Hơn 10 năm với tổng số vốn trên dưới 900 tỷ, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 800 tỷ, trên 100 tỷ là vốn đóng góp của người dân, chúng tôi đã huy động và tập trung các nguồn lực đó cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Những công việc mà không cần sự đầu tư của Nhà nước như làm hàng rào, dọn dẹp vệ sinh… thì huyện đã tập trung tuyên truyền để người dân thực hiện được đảm bảo”.

Điều phấn khởi nhất trong “hành trình” hơn 10 năm qua là từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, người dân tỉnh Gia Lai đã nhận thức rõ, bên cạnh sự đồng hành của các cấp, ngành, thì xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình. Chính vì vậy, những năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hơn 2.400 tỷ đồng vào chương trình xây dựng nông thôn mới để sửa chữa hàng trăm Km đường giao thông nông thôn, thắp sáng hàng trăm Km đường quê và hàng ngàn ngày công lao động khác. Điều đó cho thấy phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn.

Ông Rơh Chăm Từ, Làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ bày tỏ:  “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ khi được công nhận làng Nông thôn mới thì bà con nhân dân trong làng rất là phấn khởi. Công tác xây dựng đời sống, nơi làm ăn của họ đã thay đổi rất nhiều”.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: “Từ khi người dân nhận thức rõ về những gì mà người dân được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới thì đời sống người dân được cải thiện, được tiếp cận đươc các cở sở hạ tầng hiện đại. Đặc biệt là được tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Đây là cơ sở vững chắc để xã phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025”.

Qua hơn 10 năm chung sức, đồng lòng xây dựng Nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Thành phố Pleiku, Thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa. Cùng với đó là 91 xã và 123 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong chặng đường tiếp theo, cùng với nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới ở các xã, thôn, làng còn lại, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung đầu tư cho các xã có tiềm năng và thế mạnh để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Phạm Văn Xứng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Drăng, huyện Chư Prông nói: “Hiện nay trên địa bàn xã chúng tôi thì cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khá khang trang. Còn về các tiêu chí nâng cao thì đòi hỏi phải có sự đầu tư thêm. Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân để mở rộng các tuyến đường và từng bước nâng cấp thêm và đi đến hoàn thiện các tiêu chí”.

Từ những dấu ấn đạt được qua hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai, với tinh thần quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp Nhân dân, tin tưởng rằng công cuộc xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh sẽ đạt và vượt những mục tiêu đề ra, tạo nên sự thay đổi rõ rệt diện mạo khu vực nông thôn, từng bước đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngang bằng với khu vực thành thị, góp phần thức đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh nhà./.

 Quốc Linh, Minh Trung


Lượt xem: 56

Trả lời