Đảm bảo nước sạch cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 17/6/2022, 07:06:01

Với không ít bà con đồng bào DTTS ở các buôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ lâu nay, thói quen sử dụng nguồn nước từ các ao, hồ, sông, suối không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước vào mùa khô hạn xảy ra trên diện rộng và ngày càng gay gắt hơn khiến cho việc xây dựng công trình nước sạch ở các buôn, làng ngày càng trở nên cấp thiết. Phóng sự được thực hiện tại xã Ia Phí, huyện Chư Pah – địa phương có 98% số dân là đồng bào DTTS sinh sống.

Hơn nửa tháng nay, kể từ khi giếng khoan và hệ thống nước sạch từ Dự án “Giếng sạch trao buôn” do Quỹ ASIF tài trợ được đưa vào sử dụng; bà con DTTS ở làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Pah ai cũng vui mừng vì giờ đây đã có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không còn lo phải vượt nhiều cây số như trước đây để gùi nước về sinh hoạt, trẻ con và cả người lớn trong làng bây giờ thấy rất thuận tiện và có thể sử dụng nước sạch bất cứ lúc nào nếu có nhu cầu.

Chị Rơchâm Ưch – Làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Pah nói: “Có khi lấy buổi sáng, buổi chiều, ngày hai lần. Tốt hơn nước ở ngoài kia”.

Chị Y Thảo – Làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Pah bày tỏ: “Bây giờ thì đỡ khó khăn hơn, ở đây gần hơn. Bữa trước đi lấy giếng ở ngoài kia đường thì nó xa, xấu, dơ và trơn nữa; nếu mà mùa mưa thì không biết đi luôn. Em uống nước hết là vô đây lấy”.

Ngoài làng Kênh, bà con DTTS ở 5 làng khác của xã Ia Phí là làng Rồi, làng Lút, làng Yăng 2, làng Tum và làng Yút từ nay cũng đã có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để sử dụng. Trước đây, ngoài nguồn nước từ các sông, suối; nhiều bà con ở các làng cũng đã chủ động đào giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng các giếng đào thiếu hụt nguồn nước vẫn thường xảy ra vào mỗi mùa khô hạn khiến người dân gặp không ít khó khăn. Với các giếng khoan được hỗ trợ này, gần 700 hộ dân ở 6 làng của xã Ia Phí đã được hưởng lợi. Để các công trình phát huy hiệu quả, người dân ở các làng cũng đã đối ứng số tiền 7 triệu đồng/mỗi giếng để làm nền và vòi chảy; đồng thời cùng nhau quản lý, bảo vệ công trình.

Anh Rơchâm Hil – Thôn phó làng Lút, xã Ia Phí, huyện Chư Pah nói: “Nước giếng mùa khô thì khô, không có nước;mùa mưa mới có nước. Có giếng đây thì mới đỡ. Của chung mà, phải quản lý cho nó lâu dài,sử dụng về lâu về dài, bảo vệ chung trong làng”.

Ông Rơchâm Laoh – Chủ tịch UBND xã Ia Phí, huyện Chư Pah cho biết: “Các công trình nước sạch cũng như các công trình khác đầu tư trên địa bàn xã, các cấp chính quyền rất quan tâm. Đến giờ phút này thì giếng khoan đã đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân, góp phần cải thiện rất lớn trong vấn đề cải thiện thiếu nước sinh hoạt và tạo thuận lợi cho bà con trong lấy nước sinh hoạt an toàn, hiệu quả”.

Những công trình nước sạch không chỉ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề khan hiếm nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là bà con DTTS. Tuy nhiên vì vẫn còn nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, nên chính sách về nước sạch sinh hoạt cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới./.

 Mỹ Tiến – Phi Long


Lượt xem: 21

Trả lời