Đảm bảo chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái

Cập nhật 11/7/2015, 09:07:03

Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương, phải gánh chịu rất nhiều rủi ro và cần được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh; trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Và đây là vấn đề được chọn làm chủ đề cho Ngày Dân số Thế giới năm 2015. 

Với chức năng, nhiệm vụ là tư vấn và khám sàng lọc cho tất cả các đối tượng, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh đẻ; trung bình mỗi tuần, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Gia Lai thực hiện tư vấn và khám sàng lọc cho khoảng 200 lượt người, với các nghiệp vụ như siêu âm, thực hiện các biện pháp tránh thai… 

 Bác sĩ Mặc Văn Thắng ,Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Gia Lai cho biết: “Tại Gia Lai, công tác hỗ trợ về CSSKSS trong độ tuổi sinh đẻ phải nói là rất quan trọng bởi trình độ dân trí của phụ nữ ở Gia Lai còn thấp, nhất là phụ nữ người DTTS và cả cộng đồng người Kinh ở những vùng sâu vùng xa. Thứ nhất là do thiếu kiến thức. Thứ 2 là do bận công việc nên họ ít chú ý đến chăm sóc cho bản thân mình trong độ tuổi sinh đẻ, ví dụ như đề phòng viêm nhiễm. Một vấn đề nữa là thực phẩm dinh dưỡng trong thời kỳ sinh đẻ, họ chưa thực sự chú ý nên chúng tôi tiến hành tư vấn và khám sàng lọc các bệnh mãn tính để có những giải thích và trng bị kiến thức cho họ khi bước vào thời kỳ sinh đẻ”.

 Với mục tiêu “Giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai, nâng cao chất lượng dân số”; những năm qua công tác tuyên truyền vận động, giáo dục về DS-KHHGĐ trong các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh nên nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ ngày càng nâng lên, quy mô gia đình ít con được mọi tầng lớp trong xã hội hưởng ứng, chấp nhận. Bên cạnh đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được cung cấp cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tại Gia Lai, hiện tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 69% (tăng 1%/năm); tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 25,5%; mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,83%o. Đặc biệt nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã ngày càng quan tâm và chú trọng hơn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân.   

 Chị Hoàng Thị Thu, phường Trà Bá – TP.Pleiku chia sẻ: “ Tôi cũng có tìm hiểu các biện pháp như dùng bao cao su, sử dụng que cấy. Trong các phương pháp thì có phương pháp đặt vòng là không dùng thuốc, an toàn cho mẹ và tốt cho mẹ hơn cho nên tôi đến đây để đặt vòng. Hiện tại bây giờ chị em phụ nữ chúng ta hay bị các bệnh về phụ khoa, thậm chí là ung thư. Hôm vừa rồi tôi đến khám, các cô bảo nếu có điều kiện thì 6 tháng nên xét nghiệm cổ tử cung 1 lần; ngoài ra nếu có các triệu chứng thấy khác thường 1 chút thì nên đi khám”.

Bà Đinh H’Nghĩa, PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Gia Lai nói: “Mạng lưới CSSKSS được củng cố, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng về CSSKSS phù hợp với điều kiện của địa phương, cải thiện và giảm được sự chênh lệch giữa các vùng và đối tượng trong công tác CSSKSS; nhất là vùng khó khăn, vùng DTTS”.

Chủ đề Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay được chọn là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” nhằm tăng cường các cam kết hướng tới tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS, nhất là cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai; trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Chính vì vậy mà đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho mỗi gia đình và cộng đồng ./. 

 

 

Mỹ Tiến – Xuân Huy


Lượt xem: 662

Trả lời