Đa dạng các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Cập nhật 30/11/2018, 15:11:05

Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 với nhiều hoạt động và lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa bản địa, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng và thú vị. Và một trong những hoạt động thu hút khách tham quan, mua sắm đó là giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Là một trong những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu lần này, thương hiệu Gạo Phú Thiện của HTX Chư A Thai, huyện Phú Thiện sẽ được nhiều người biết đến hơn và đó cũng là cơ hội để HTX tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho đầu ra của sản phẩm gạo ở địa phương.

Anh Ksor Văn – HTX Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Nhân dịp này bên HTX Chư A Thai cũng được đem hàng lên; thì cũng mong muốn là có thêm thị trường vì ở dưới Phú Thiện, hàng thì bà con làm ra nhiều nhưng về mặt đầu ra thì hơi khó. Cũng mong là có thêm những bạn hàng.

52 gian hàng của 43 đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh với rất nhiều các sản phẩm về nông nghiệp, làng nghề… được trưng bày khá đa dạng, phong phú, mang đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Trong đó nổi bật là các sản phẩm thương hiệu như: Cà phê Thu Hà, cà phê Laman’t, hồ tiêu Chư Sê, chè Bầu Cạn, mật ong Gia Lai…; cùng các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương như: Dệt thổ cẩm Đak Đoa, bò một nắng và muối kiến Krông Pa, khoai lang Lệ Cần… Đặc biệt, nhiều sản phẩm mới của các địa phương đã được cải thiện, nâng cao hơn về chất lượng và mẫu mã sản phẩm để phù hợp với xu hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Lê Văn An – Giám đốc Công ty TNHH MTV An Thắng Gia Lai cũng nói: “Ở những dịp lễ hội lớn như thế này thì sẽ có những du khách đến tham quan và khi qua gian hàng, họ cũng biết đến được sản phẩm của mình. Từ đó họ sẽ để ý và sau đó sẽ có những tác động, những tiếp cận để giao thương”.

Ông Huỳnh Nở, một người dân ở TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Thực ra tôi cũng đi nhiều nơi trong và ngoài nước thì tôi thấy là rất nhiều đặc sản của Gia Lai mình rất ngon và rất có giá trị nhưng mà chưa được quảng bá đầy đủ. Thì hi vọng những năm tới, những thời gian tới, chúng ta bằng 1 hình thức nào đó quảng bá để mà thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy kinh tế địa phương”.

Để tạo ấn tượng cho du khách và người tiêu dùng, các gian hàng đã có sự lựa chọn sản phẩm đặc trưng cũng như hình thức trưng bày khá hấp dẫn. Còn với du khách, đến với hoạt động giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, mỗi người sẽ có cảm nhận riêng và hòa mình với bản sắc riêng của mỗi gian hàng địa phương.

Diễn ra trong 4 ngày (từ 29/11 đến hết ngày 02/12), hoạt động giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương là 1 trong số rất nhiều hoạt động trong chuỗi hoạt động tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018. Có thể nói với sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương, từng vùng; hoạt động này không chỉ là dịp để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mà còn là cơ hội để tăng cường sự liên kết sản xuất, kết nối cung cầu giữa các địa phương, các vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường./.

Mỹ Tiến, Minh Trí


Lượt xem: 140

Trả lời