Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải vươn lên làm giàu trên vùng biên giới Ia Grai

Cập nhật 29/7/2020, 07:07:13

Phát huy bản chất cần cù, chịu khó của “Người lính cụ Hồ, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính đã chọn mảnh đất Tây Nguyên để lập nghiệp. Với tinh thần hăng say lao động và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người đã gây dựng kinh tế gia đình khấm khá.
Câu chuyện dưới đây kể về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Hải – Hội viên Hội CCB Tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha huyện biên giới Ia Grai.

Sau gần 5 năm công tác trong môi trường quân ngũ, năm 1988, người lính hải quân Nguyễn Văn Hải xuất ngũ và trở về với cuộc sống đời thường. Với ông, những điều ông được rèn luyện và trưởng thành từ quân ngũ là vô cùng quý giá và cũng là kỷ niệm không thể nào quên của một thời trai trẻ. Đặc biệt là dù khó khăn, vất vả đến đâu thì cũng không được nản chí và phải cần cù, chịu khó thì mới thành công. Chính vì vậy, năm 2004, khi gia đình chuyển từ tỉnh Bình Phước lên huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai để làm kinh tế, vợ chồng ông đã chịu khó lao động và đầu tư trồng những loại cây vốn là thế mạnh trên vùng đất đỏ bazan, như cao su, cà phê. Đặc biệt vài năm gần đây, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng xen nhiều loại cây ăn trái, nhất là sầu riêng trong vườn cà phê 4 ha để có thêm thu nhập trong thời điểm giá cao su, cà phê xuống thấp.

Ông Hải chia sẻ: “Tôi trước đây đi vào cây cao su nhưng thấy mất giá quá nên mạnh dạn chuyển đổi sang cây cà, kết hợp cây sầu riêng, bơ, mít… Mình tìm hiểu thổ nhưỡng, cây giống, đầu tư công sức để làm và tận dụng thời cơ để làm, mùa khô làm sạch cỏ, tưới nước, bỏ phân, mưa thì làm sạch cành, chồi chứ không sâu bệnh không thì kém năng suất. 4 ha cà phê trừ chi phí được 200 triệu, tới đây cây lớn dần, tương lai thu nhập cao hơn nữa nhất là cây ăn trái”.

Ông Đinh Tuất – Chủ tịch Hội CCB thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai nói: “Đồng chí Hải tính thất bát cây này thì có cây khác hỗ trợ nên trồng cà phê, bơ, mít, sầu riêng, cây ăn trái. Những năm gần đây, vườn của đồng chí Hải bắt đầu có thu và có hiệu quả. Chúng tôi thấy vườn cây xanh tốt, trái rất nhiều và có hiệu quả trong thời giá hiện nay”.

Với phương châm “lấy công làm lời” và để tiết kiệm chi phí đầu tư, ngoài lao động chính hàng ngày là 2 vợ chồng, vào mỗi đợt cao điểm bón phân, cắt cành và thu hoạch cà phê, gia đình ông Nguyễn Văn Hải còn thuê thêm 10 lao động để làm. Điều này vừa giải quyết được chuyện vườn tược của gia đình vừa giúp nhiều lao động tại địa phương có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn.

Bà Phạm Thị Chén – Tổ dân phố 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: “Tôi làm cho ông Hải 2 năm nay, tôi làm 600 cây cà, rảnh lúc nào thì tôi đi làm cho ông bà kiếm thêm thu nhập. Ông bà đến đợt lúc nào cũng gọi bà con ít nhất là 10 người, làm cho ông bà, ông bà hòa đồng, vui vẻ không làm mất lòng bà con, làm xong tiền bạc sòng phẳng”.

Với sự cần cù, lấy lao động là niềm vui, đặc biệt là sự đồng lòng đồng sức của 2 vợ chồng, sau hơn 15 năm lập nghiệp trên vùng biên giới Ia Grai, gia đình ông Nguyễn Văn Hải – Hội viên Hội CCB Tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha đã gây dựng được kinh tế gia đình vững chắc, con cái trưởng thành. Từ việc đầu tư vườn tược bài bản, cộng với mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, gia đình ông hy vọng kinh tế gia đình sẽ ngày càng phát triển, qua đó góp phần xây dựng huyện biên giới ngày càng giàu đẹp./.

Thiên Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 33

Trả lời