Công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng lầm lỗi ở huyện Ia Pa

Cập nhật 08/11/2017, 08:11:00

Thực hiện Nghị định 80 năm 2011 của Chính phủ quy định về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thời gian qua, huyện Ia Pa đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người từng lầm lỗi vượt qua mặc cảm, vươn lên làm ăn lương thiện. Và để con đường hoàn lương của những người đã chấp hành xong án phạt tù bớt đi những khó khăn, hạn chế tình trạng tái phạm vẫn rất cần sự hỗ trợ về vốn, công ăn việc làm và sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng xã hội…

Từ năm 2012 đến 2017, huyện Ia Pa có 180 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thực hiện công tác quản lý, giáo dục những người từng có quá khứ lầm lỗi, địa phương đã phân công cán bộ thôn, xã theo dõi quản lý, giáo dục, giúp đỡ để những người lầm lỗi, vi phạm pháp luật vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tích cực chăm lo phát triển kinh tế, sớm ổn định tư tưởng và cuộc sống.

Anh Nguyễn Minh Cường-Thôn H’Lin 2, xã Ia MRơn, huyện Ia Pa chia sẻ: “Sợ người ta cứ nghĩ mình đi trại về là tật xấu, tái phạm tôi cũng sợ. Nhờ công an xã, huyện động viên, nhắc nhở, tôi cũng nhận ra việc mình sai và chú tâm làm kinh tế để người ta tin tưởng”.

Dù là làm nông song đến nay 120 người chấp hành xong án phạt tù trở về sinh sống trên địa bàn huyện Ia Pa  đã có công việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống. Với sự ăn năn hối cải, vươn lên làm ăn lương thiện đã có 61 người được xóa án tích. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, gần 40 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hiện gặp khó khăn và chưa có việc làm.

Anh Phạm Minh Thái-Thôn Quý Đức, xã Ia Trok, huyện Ia Pa nói: Công việc ở nhà với ba mẹ, có việc gì thì giúp việc đó, ai thuê chạy xe thì em chạy. Giờ cũng muốn các ban, ngành tạo điều kiện giúp đỡ có ít vốn để mua xe làm ăn riêng.

Anh Võ Văn Mạnh-Thôn Quý Tân, xã Ia Trok, huyện Ia Pa cũng cho biết: “Nhiều lúc về công việc không thuận lợi, vốn liếng không có, gia đình nhiều anh em, nhiều lúc về tái hòa nhập cộng đồng cũng thấy e thẹn với người khác. Mong muốn xã, huyện, các cấp, ngành, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nếu được cho vay vốn thì mua xe để chạy hàng hóa, để thu nhập cho gia đình khá giả hơn”.

Thiếu tá Nguyễn Đức Quy-Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Ia Pa cho biết: “Đến nay, người tái phạm giảm so với trước. Độ tuổi vi phạm trong độ tuổi 20-30, về người ta cơ bản chấp hành tốt và có nguyện vọng vay vốn để có việc làm và mong muốn Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng chính sách cho vay vốn để tạo công ăn việc làm, họ cũng muốn doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm lao động để giúp họ khỏi tái phạm”.

Để con đường về với cuộc sống lương thiện bớt đi những trở ngại, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng thì sự động viên, chia sẻ của gia đình và cộng đồng xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Khi đã ổn định về tư tưởng và có một việc làm, thu nhập ổn định là một trong những yếu tố giúp những có quá khứ lầm lỗi xóa đi những tự ti, mặc cảm và không ngừng vươn lên trong cuộc sống, lao động./.

Thiên Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 97

Trả lời