Công an thành phố Pleiku ra quân xử lý tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn

Cập nhật 09/1/2018, 08:01:12

Nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có hành vi điều khiển xe phân khối lớn đến trường khi chưa đủ tuổi quy định, những ngày này, Công an thành phố Pleiku đã huy động khá đông lực lượng, phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm.

Trên các tuyến đường nội thành thành phố Pleiku, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe phân khối lớn như thế này. Khi bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý, các em chỉ biết đổ lỗi do yếu tố khách quan và ít quan tâm đến việc phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông.

Em Trần Phạm Bảo Nam – Lớp 12B1, Trường THPT Lê Lợi, thành phố Pleiku, Gia Lai nói: “Giờ hoàn cảnh phải đi do nhà ở xa quá. Ba mẹ không có thời gian đưa đi nên em phải điều khiển xe đi thôi”.

Theo ghi nhận, không ít trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý, các em đang là học sinh cấp 2.

Trung tá Hồ Thanh Sơn – Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Ý thức về tham gia giao thông của các em chưa tốt và trong quá trình điều khiển phương tiện thì các em chưa lường hết được các tình huống xảy ra. Các em chạy xe thường tùy tiện và chạy theo ý thích của mình nên có khi tránh vượt không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ, chuyển hướng không chú ý quan sát từ đó gây ra nhiều vụ va quệt giao thông, đặc biệt có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng”.

Sự buông lỏng quản lý của gia đình vô hình chung tiếp tay cho hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của con em mình. Điều này khiến cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thêm diễn biến khó lường, nhất là khi các em chưa ý thức hết hành vi cũng như trang bị vốn kiến thức cần có nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông.

Trung tá Hồ Thanh Sơn – Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Để phối hợp chặt chẽ thì có sự tuần tra hóa trang, có nghĩa vừa tuần tra công khai kết hợp với các đồng chí hóa trang mặc thường phục, tránh tình trạng rượt đuổi, đảm bảo an toàn giao thông, từ đó vừa tạo tính răn đe các cháu. Trong quá trình xử lý thì hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rượt đuổi, gây ra hậu quả không hay đối với các cháu”.

Theo tổng hợp Ban An toàn giao thông tỉnh, trung bình mỗi năm độ tuổi dưới 18 tuổi trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh thường chiếm tỷ lệ hơn 10%. Để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến các em, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ phía chính quyền, nhà trường và phụ huynh học sinh./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 109

Trả lời