Con đường hoàn lương của những phạm nhân được đặc xá

Cập nhật 31/8/2013, 16:08:53

Đặc xá là một chủ trương chính sách khoan hồng lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ chủ trương này mà những năm qua, nhiều phạm nhân được đặc xá trở về làm ăn sinh sống đã cố gắng phấn đấu vươn lên, quên đi những mặc cảm của bản thân, tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống.  

Một ngày cuối tháng tám chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Đình Hay ở thôn Ple Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, để tìm hiểu sự nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành người làm kinh tế giỏi sau khi được đặc xá.

Cách đây bảy năm, trong lúc uống rượu, Hay có mâu thuẫn xích mích với một người bạn là Nguyễn Đức Đàn, Hay đã lấy chai bia trên bàn đánh mạnh vào đầu Đàn, kết quả giám định anh Đàn bị thương tật hơn 90%. Hay bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 8  năm tù giam và buộc phải bồi thường cho bị hại hơn 20 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, Anh Trần Đình Hay, thôn Ple Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh tâm sự: “Trong những ngày đầu ở trại tôi cảm thấy tinh thần suy sụp, nhưng được các cán bộ quản giáo động viên giúp đỡ nên tôi dần tỉnh ngộ và tự hứa với bản thân là cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. Cũng vì cải tạo tốt nên tôi được Đảng, Nhà nước giảm 25 tháng tù”.

 Trại giam, nơi Hay phải lao động, học tập, cải tạo và suy ngẫm về tội lỗi của mình gây ra thì cũng là nơi giúp anh học được nghề cơ khí. Nhờ phấn đấu cải tạo tốt nên, sau 5 năm chấp hành án phạt tù, năm 2011 anh được giảm án đặc xá trước thời hạn. Ra tù, sẵn có nghề cơ khí trong tay, được sự giúp đỡ của gia đình, anh vay vốn ngân hàng mở xưởng cơ khí, từng bước vượt qua khó khăn về kinh tế, hiện thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình gần 30 triệu đồng. Động lực để anh phấn đấu vươn lên, quên đi những mặc cảm của bản thân chính là vợ và 3 người con của anh.

Còn đây là một trường hợp, vào tháng 5 năm 2000, do mâu thuẫn trong kinh doanh, anh Nguyễn Văn Lữ ở thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã đã dùng cây gỗ đánh vào đầu Kiều Văn An gây thương tích, Lữ bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 5 năm tù. Nhận thức về tội lỗi mình gây ra, anh luôn cố gắng cải tạo tốt và được đặc xá tha tù trước thời hạn hơn một năm. Năm 2004, trở về đoàn tụ với gia đình. Lúc này kinh tế gia đình anh rất khó khăn, nhưng được gia đình và chính quyền địa phương kịp thời động viên, giúp đỡ, năm 2005, anh đã mở được xưởng mộc, từ đây kinh tế gia đình từng bước được ổn định. Bên cạnh đó gia đình anh Lữ còn trồng và chăm sóc gần 200 trụ tiêu, tổng thu nhập của gia đình mỗi năm gần 200 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi Anh Nguyễn Văn Lữ, thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh nói: “Tôi nghĩ rằng mỗi người khi ra tù đều mang trong mình mặc cảm tội lỗi, khi tôi vượt qua được điều đó tôi cảm thấy nhẹ nhỏm như bớt đi một gánh nặng vậy. Qua đây tôi cũng khuyên những ai còn chấp hành án phạt tù nên cố gắng cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.  

Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh,Phó trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Trong những năm qua Công an huyện cũng đã phối hợp tốt với các ban ngành đoàn thể của huyện tổ chức lồng ghép các đợt tuyên truyền giúp đỡ những người mãn hạn tù về sinh sống trên địa bàn huyện. Nhìn chung các trường hợp sau khi ra tù đều chăm chỉ làm ăn, hướng thiện điển hình hình là ông Lữ và ông Hay”.  

Anh Hay, anh Lữ chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp biết vượt qua mặc cảm tội lỗi, tái hòa nhập cộng đồng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tin rằng, cùng với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của Chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể những người từng một thời lầm lỗi sẽ sớm hoàn lương để sống có ích cho gia đình và xã hội. /.

 

CTV: Hữu Trường


Lượt xem: 78

Trả lời