Chuyện ở những ngôi làng kháng chiến

Cập nhật 16/3/2020, 09:03:42

Mỗi tháng 3 về, Gia Lai lại trở nên hào hùng hơn với những địa danh trong kháng chiến, những tên đất, tên người gắn với những buôn, làng căn cứ địa cách mạng. 45 năm sau ngày giải phóng, bài học về sự kiên trung, đoàn kết, một lòng thủy chung son sắt với Đảng, Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chưa bao giờ nhạt phai, mà đặc biệt càng được phát huy trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Anh hùng Núp và làng kháng chiến Stơr những năm tháng ác liệt chống Pháp của chiến trường Tây Nguyên. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Anh hùng Núp đã chỉ huy dân làng kiên trì bám đất, bám làng, sử dụng chiến thuật vô cùng linh hoạt đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch. Cuộc kháng chiến của dân làng Stơr đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần chiến đấu của các dân tộc Tây Nguyên, thúc giục người dân đoàn kết đứng lên chống giặc gìn giữ quê hương. Từ đây, cũng đánh dấu mô hình làng kháng chiến ở chiến trường Gia Lai. Anh hùng Núp và làng Stơr trở thành huyền thoại sống mãi trong lòng người dân Tây Nguyên.

Câu chuyện về sự kiên trung, anh dũng của thế hệ cha anh trong kháng chiến đã trở thành mạch nguồn của niềm tin, lòng tự hào chảy mãi trong tâm tưởng bao thế hệ người làng Stơr, xã Tơ Tung hôm nay. Để năm tháng qua đi, truyền thống ấy được nối tiếp bằng những cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Đinh Grêng – Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Điều mà nhiều thế hệ hôm nay ở người làng Stơr chính là việc giữ được mối đoàn kết, dân làng không nghe lời kẻ xấu không có đạo lạ xâm nhập. Nhiều đối tượng thường xuyên tìm đến lợi dụng sự cả tin của người dân để chống phá, nhưng đều bị phát hiện, bài trừ”.

Stơr hôm nay đã mang hơi thở của một làng nông thôn mới đang từng ngày thay da đổi thịt. Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chính là người giữ vai trò nòng cốt, luôn đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, giữ gìn mối đại đoàn kết, một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, Bác Núp. Từ thế hệ người già đến lớp thanh niên, đều ý thức được truyền thống quý báu của quê hương, cùng với cấp ủy chính quyền vun đắp, nối tiếp, góp phần dựng xây quê hương cách mạng.

Chị Vy Thị Kiều – Phó Bí thư Đoàn xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Đoàn thanh niên xã là lực lượng kế cận của Đảng nên thường xuyên tuyên truyền, vận động thanh niên phát huy truyền thống, xung kích trong mọi hoạt động. Như tham gia xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, kéo điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường”.

Niềm vui, những câu chuyện phấn khởi trong thời kì đổi mới sau 45 năm giải phóng cũng là chủ đề chính được Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpah Ó chia sẻ với chúng tôi khi về thăm làng Bạc, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Đối với bà và người dân làng Bạc, cuộc thảm sát năm 1962 của Mỹ Ngụy khiến 162 người con của làng thương vong mãi là kí ức đau thương. Nhưng vượt lên tất cả, những người dân làng Bạc đã sớm trở lại, dựng xây mảnh đất bị tàn phá thành khu dân cư phát triển ổn định. Tuy chưa hẳn giàu có, người làng Bạc luôn chăm chỉ làm ăn, giữ vững tinh thần cách mạng trong thời kì đổi mới.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kpah Ó cũng khẳng định: “Bây giờ làng đã không còn đói nghèo nữa, nhà khó khăn vẫn có gạo ăn. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người làng. Đầu tư điện, đường, nhà ở, giúp dân biết cách làm ăn, phát triển kinh tế. Đời sống của người dân trong làng tốt hơn rồi”.

Sau 45 năm giải phóng, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đoàn kết, đồng lòng trên mỗi mặt trận, tạo sự bứt phá ngoạn mục,hòa chung với công cuộc đổi mới đất nước. Bức tranh sống động từ những ngôi làng căn cứ cách mạng hôm nay chính là minh chứng rõ nét cho sức sống vững bền của những giá trị truyền thống: Đó là bài học từ sức dân, là niềm tin từ sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng ở mỗi thời kì. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lòng dân vẫn vững niềm tin vào tương lai phía trước, vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua những chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS, sự chăm lo đời sống đến từng hộ dân.

Ông Mlo Bơn – Trưởng buôn Nung, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai bày tỏ: “Trước đây hoàn cảnh trong buôn khó khăn lắm. Nay có sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đầu tư nên đời sống đã thay đổi nhiều. Nay buôn chỉ còn khoảng 10% hộ dân còn thuộc diện nghèo.”

Ông Ksor Rok – Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Buôn Nung là vùng căn cứ cách mạng trước đây. Nhiều chương trình đầu tư đã được Đảng ủy, chính quyền xã đưa về để xây dựng, hoàn thiện để dân làng thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhất là điện, đường, trường, trạm. Chúng tôi cũng mong là với sự đầu tư của Nhà nước, buôn sẽ đổi mới hơn nữa”.

Tự hào với truyền thống của vùng đất anh hùng, trên những vùng quê cách mạng, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đang từng ngày, từng giờ nỗ lực đoàn kết góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Phấn đấu trở thành những thôn làng nông thôn mới trù phú, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng xưa./.

Minh Lý, Viễn Khánh – CTV Văn Chi


Lượt xem: 147

Trả lời