Chuyện buồn làng Nak

Cập nhật 28/12/2016, 07:12:19

Dù nằm ngay trung tâm thị trấn Kbang, huyện Kbang, nhưng nhiều năm nay, làng Nak được xem là làng có sự phát triển kinh tế thấp nhất so với mặt bằng chung của thị trấn Kbang. Không những vậy, ngôi làng này đang đối diện với sự mai một dần của những giá trị văn hóa truyền thống. Phản ánh của PV Đài PT-TH GL.

28-12-noibuon

Làng Nak, thị trấn Kbang có 97 hộ với 529 nhân khẩu, trong đó có tới 65 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, các hộ còn lại cũng chỉ mới thoát được nghèo. Chính quyền thị trấn Kbang cho biết, khi huyện Kbang được thành lập, thị trấn Kbang hình thành thì làng Nak lọt thỏm giữa trung tâm đô thị, không có đất sản xuất, người dân lại không có công ăn việc làm ổn định, nên nhiều năm đã đi qua, cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám ngôi làng này.

Ông Trần Đức Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy TT.Kbang, Kbang, Gia Lai cho biết:  “Đời sống kinh tế của người dân làng Nak hiện còn đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dù nhận rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương nhưng do tư duy làm kinh tế chưa tốt cộng với việc thiếu các điều kiện sản xuất cơ bản nên nhiều hộ gia đình vẫn còn rất nghèo và đời sống tương xứng với mặt bằng chung của thị trấn…”

Nghèo thì đã đành nhưng điều mà lớp thế hệ đi trước lo lắng nhất là làm sao để giữ được bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà rông, nơi lưu giữ các giá trị thiêng liêng của buôn làng Tây Nguyên nói chung và làng Nak nói riêng giờ đây đang được cho những công nhân xây dựng thuê lại để ở. Khi đưa chúng tôi đến ngôi nhà Rông của làng, ông Bí thư Chi bộ làng Nak còn cho biết thêm, thanh niên bây giờ không còn ai đặt chân đến nhà rông vào mỗi tối vì chúng còn bận đi chơi, xem phim và nghe nhạc trẻ, còn các giá trị văn hóa của người Bana trong làng, hầu như lớp trẻ đều đã lãng quên.

Ông Đinh Miết, Bí thư Chi bộ làng Nak, TT.Kbang, Kbang, Gia Lai nói:  “Trước đây nhà Rông còn là nơi lưu giữ nhữn sản phẩm thủ công của người trong làng, nhưng theo thời gian thì nó mất hết rồi. Buổi tối thanh niên cũng không còn đến đây để ngủ nữa nên nhà Rông của đóng cửa quanh năm, chỉ khi nào họp hành thì mới mở cửa, thắp đèn thôi…”

Cũng theo Bí thư Chi bộ Đinh Miết, làng Nak bây giờ không có  đội cồng chiêng  thiếu nhi nào. Chỉ còn một lớp trung niên tuổi đã trên dưới 40 biết chơi để phục vụ những dịp hiếm hoi còn lại của làng như lễ đâm trâu hay tang ma của làng. Các giá trị văn hóa tinh thần khác hầu như  không được lớp trẻ quan tâm để gìn giữ, dù những người già trong làng nói nhiều lắm nhưng chúng làm lơ, không cãi lại mà cũng chẳng nghe theo.

Khi những  công nhân xây dựng rời đi, ngôi nhà rông của làng Nak sẽ được trả về nguyên hiện trạng của những năm qua. Sẽ  không  còn những buổi tối đám thanh niên trong làng tập trung về đây để ngủ, hay lắng nghe những câu chuyện kể khan của những người già trong làng. Tất cả những gì diễn ra hôm nay ở làng Nak đang báo hiệu sự mất dần của những giá trị văn hóa truyền thống của người Bana nơi đây./.

Quốc Linh, Minh Vũ

 


Lượt xem: 200

Trả lời