Chư Pah triển khai nhiều giải pháp huy động học sinh ra lớp

Cập nhật 15/3/2018, 15:03:11

Làm thế nào để làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết – đó vẫn luôn là nỗi trăn trở của thầy cô giáo ở các trường học vùng khó. Bởi hàng năm, vào thời điểm này chuyện học sinh nghỉ học khi bước vào mùa thu hoạch lại gia tăng, chủ yếu ở cấp trung học cơ sở. Từ thực tế trên đòi hỏi các địa phương, các trường phải vận dụng nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phóng sự được thực hiện tại huyện Chư Pah.

Sau hơn 1 tháng nghỉ học ở nhà phụ  giúp gia đình, với sự động viên, hỗ trợ của thầy giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp, sau Tết, em Nghê – học sinh lớp 8 Trường THCS Hà Tây đã trở lại lớp học. Đang vào mùa thu hoạch mì, ở độ tuổi như Nghê, nhiều em đã là lao động chính trong nhà nên rất dễ có nguy cơ bỏ học nếu không có sự quan tâm sát sao của nhà trường và các thầy cô giáo.

Thầy Đỗ Tuấn Anh – Giáo viên Trường THCS Hà Tây, huyện Chư Pah cho biết: “Khó nhất bây giờ là tỷ lệ học sinh hộ nghèo rất đông. Nhiều em rất thích đi học nhưng vì điều kiện, lớn tuổi phải ở nhà phụ giúp cho bố mẹ để còn mấy em đi học nữa. Đầu tiên nhà trường, giáo viên xuống trước vận động, nhờ bên chính quyền xã thành lập ban chuyên đi vận động, xuống làng nhờ giúp đỡ, tỷ lệ các em nghỉ quay lại lớp chưa được chuyên cần, tuy nhiên so với trước, tỷ lệ duy trì sĩ số tốt hơn”.

Với đặc thù của một trường vùng khó có gần 100% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, trường Tiểu học Đăk Tơ Ver đã linh động triển khai nhiều giải pháp tạo niềm vui cho các em khi đến trường, đặc biệt là tạo sự gắn kết giữa giáo viên với học sinh, gần gũi và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn để hỗ trợ các em bằng cả tình thương và trách nhiệm.

Thầy Đỗ Văn Khanh – Giáo viên Trường Tiểu học Đăk Tơ Ver, huyện Chư Pah cũng chia sẻ: “Ở lớp này có 1 em đặc biệt rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố mới mất, hiện ở với chị điều kiện rất khó khăn. Em thường phải ở nhà giúp đỡ anh chị trông cháu nên thời gian đến lớp không được thường xuyên lắm. Em nói thầy ơi em rất thích học để trở thành công an, tôi đã tìm hiểu đến động viên gia đình. Khi học lớp 5 chỉ mất thời gian đầu nghỉ thôi, còn bây giờ em đi học rất đầy đủ”.

Thầy Nguyễn Phúc Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Tơ Ver, huyện Chư Pah cho biết: “Giáo viên phải linh động hơn trong dạy học đối với từng đối tượng học sinh, đối với từng lớp. Giáo viên thường xuyên gần gũi, chia sẻ quan tâm đến các em học sinh. Thông qua hòm thư điều em muốn nói, cây mong ước giáo viên thường xuyên xem hộp thư đó xem các em muốn nói điều gì từ đó cùng với nhà trường, cộng đồng có hướng giúp đỡ các em. Ngoài ra trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể như trò chơi dân gian, thi đọc sách, thi kể chuyện nhằm thu hút các em đến trường”.

Với nhiều giải pháp được quan tâm triển khai, tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn huyện Chư Pah đã giảm dần so với các năm học trước. Tuy nhiên tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn chưa cao. Duy trì sĩ số học sinh là nhiệm vụ thường xuyên, không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp giáo dục ở các địa bàn vùng khó./.

Kim Châu – Lê Thư- Thanh Sáng


Lượt xem: 59

Trả lời