Chủ động đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, chăn nuôi trong mùa khô hạn

Cập nhật 07/3/2024, 14:03:06

Gia Lai, Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, trong điều kiện nắng nóng kéo dài, vấn đề lo nhất là đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, chăn nuôi. Tại huyện Krông Pa – nơi luôn phải đối mặt với những mùa khô hạn khốc liệt nhất của cả tỉnh, địa phương cũng đã đưa ra nhiều phương án chống hạn linh hoạt để giảm thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.

Nhiều diện tích sản xuất lúa nước bị hạn và có khả năng bị hạn đã được huyện Krông khoanh vùng cho tạm ngưng sản xuất hoặc chuyển đổi sang một số loại cây trồng phù hợp để giảm thiệt hại do hạn hán. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều diện tích lúa nước nằm trong vùng tưới của các công trình thuỷ lợi vẫn đang phải chịu hạn. Hiện tại, bà con nông dân đang rất lo lắng khi phải đối mặt với một vụ mùa năng xuất kém.

Ông Rơ Chăm Oaih – Buôn Jơ Pang, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Nắng gay gắt như vậy mà không có nước thì làm sao, lúa đang xanh như thế này cũng chết hết. Bà con thì ra đồng thường xuyên để đón nước nhưng không có nước, bà con lo là lúa sẽ bị hư hết…”

Ông Ksor Yít – Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Hiện nay khó khăn nhất định của xã chính là việc điều tiết nước, xã cũng xây dựng kế hoạch và phối hợp với xí nghệp Ia Mlah tăng cường một số cán bộ của xí nghệp để tiếp tục điều tiết nước tại cánh đồng để đảm bảo cho bà con phục vụ sản xuất của người dân. Về lâu dài, mong muốn của xã hiện nay thì qua đi khảo sát tại cánh đồng kênh N29 nối về kênh N33 thì làm sao có nguồn kinh phí để làm cái công trình kênh mương nối dài để đảm bảo trong việc sản xuất của người dân.”

Tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi chính là yêu cầu bắt buột trong lúc này. Theo đó, ngành nông nghiệp, Ban quản lý các công trình Thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Pa đang kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mực nước tại các hồ chứa, nhất là đối với những hồ có dung tích lớn như: Hồ Ia Mlah, Phú Cần, Ia Ré… để có sự điều tiết nước hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Sang – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pa (Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai)  cho biết: “Đối với hồ Ia Mlah thì còn 80% dung tích; hai hồ Phú Cần và Ia Ré thì cũng vẫn đảm bảo nguồn nước; riêng đối với các lập dân thì hiện nay có giảm hơn với năm 2023. Khuyến cáo bà con tăng cường phối hợp với đơn vị lấy nước  đủ, tiết kiệm, không nên lãng phí. Tuỳ theo mức độ, tình hình các loại cây trồng đơn vị sẽ có sự điều tiết phù hợp.”

Ông Võ Ngọc Châu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Krông Pa, Gia Lai trao đổi: “Địa phương cũng phối hợp với đơn vị liên quan là đi kiểm tra và tuyên truyền cho bà con phương án chống hạn. Trong đó, phải thống nhấ theo vùng nào được tưới, vùng nào không. Diện tích nào được sản xuất, diện tích nào phải bỏ để tránh thiệt hại. Về lâu dài huyện cũng tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư công trình kênh mương, thuỷ lợi để phát huy hiệu quả trong sản xuất.”

Thời điểm này, huyện Krông Pa chưa ghi nhận diện tích cây trồng nào bị thiệt hại nặng do khô hạn. Tuy nhiên, dự báo nguy cơ nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài và diễn ra gay gắt trên diện rộng. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần phải tính đến các phương án trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt như: Vận hành các máy bơm điện để bơm trữ nước, cấp nước; chuẩn bị lắp đặt các trạm bơm dầu để bơm dã chiến, tận dụng tối đa các nguồn nước ở các khe suối, ao, hồ…. Ngoài ra, Krông Pa cũng là địa phương có số lượng trâu, bò lớn nhất của cả tỉnh nên chủ động nguồn nước uống cho đàn gia súc cũng là việc làm cần tính đến để giảm thiệt hại trong mùa khô năm nay../.

Kim Ngân – Phi Long


Lượt xem: 4

Trả lời