Chợ Kông Chro sau 2 năm bị cháy

Cập nhật 02/1/2020, 10:01:59

Mặc dù đã xảy ra hơn 2 năm, nhưng vụ cháy Chợ Kông Chro, huyện Kông Chro vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, đặc biệt là các tiểu thương buôn bán tại chợ. Chính vì lẽ đó, ngoài sự đầu tư đáng kể cho công tác phòng, chống cháy từ địa phương cũng cần sự chung sức của bà con tiểu thương và vai trò của Ban Quản lý chợ Kông Chro.

Kinh hoàng, khiếp sợ! vẫn là nỗi ám ảnh với chị Phạm Thị Phương.  Hỏa hoạn gần như thiêu rụi một phần lớn chợ Kông Chro, trong đó có ki ốt áo quần của chị, đã khiến gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn vì toàn bộ số vốn hàng trăm triệu đồng tan thành tro bụi.

Chị Phạm Thị Phương – Tiểu thương Chợ Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai nhớ lại: “Đêm đó chạy ra coi, đứng sững luôn, không biết gì hết. Lúc đó chữa cháy tới nhưng vừa bước tới là phải trở lại ngay, vì sợ nổ. Lửa cháy bùng bùng, tôi điếng người luôn”.

Chợ Kông Chro được thành lập từ những năm 1990 và đến năm 2004 mới được xây dựng một cách bài bản. Vào đêm ngày 6.02.2017 đã xảy ra sự cố rất đáng tiếc đó là chợ bị cháy lớn, khiến 11 ki ốt và 68 lồng, sạp bị thiêu rụi gây thiệt hại hàng tỷ đồng của người dân. Ngay sau đó, huyện Kông Chro và các lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, đặc biệt tăng cường công tác phòng chống cháy, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong quản lý nguồn nhiệt, điện.

Đại úy Nguyễn Khiển Thành – Đội phó Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê, Phòng CS PCCC và CNCH CA Gia Lai cho biết: “Đội PCCC khu vực An Khê phối hợp với BQL chợ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền trong dịp cao điểm, nhất là trước, trong và sau Tết nhằm đảm bảo an toàn PCCC, chủ động xử lý các tình huống khi có cháy xảy ra. Trong công tác kiểm tra chú trọng công tác chuẩn bị các điều kiện tại chỗ, theo phương châm 4 tại chỗ đó là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” .

Gần 20 năm buôn bán tại chợ nên hầu hết vốn liếng, công việc của anh Quý đều phụ thuộc vào nơi này. Do đó, kể từ khi có cháy xảy ra, gia đình anh luôn phải để tâm đến việc sử dụng điện, lửa nhằm tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Và đây cũng là ý thức chung của nhiều tiểu thương.

Anh Nguyễn Trung Quý – Tiểu thương Chợ Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: Rút kinh nghiệm đó, tôi xử lý điện, lửa hạn chế, không sử dụng trong chợ, khu vực trong chợ. Vì cháy sẽ ảnh hưởng đến người khác, đến mình.

Ông Đinh Xuân Hưởng – Phó trưởng Ban Quản lý Chợ Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai cũng cho biết: “Sau khi sự cố cháy chợ xảy ra, được sự quan tâm của các cấp đã đầu tư hỗ trợ kinh phí làm hệ thống phòng cháy, chữa cháy gồm bể nước chữa cháy 100m3, máy bơm đảm bảo đủ công sức, áp lực nếu có sự cố xảy ra”.

Sau hơn 2 năm xảy ra cháy, việc đầu tư, trang bị hệ thống phòng cháy Chợ Kông Chro đến thời điểm này cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên,  vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang, việc sử dụng lửa, điện, thậm chí thắp nhang thờ cúng trong khu vực vẫn đang diễn ra. Do vậy, để công tác phòng cháy đạt hiệu quả cao nhất rất cần ý thức của mỗi tiểu thương và đặc biệt là việc phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ban quản lý chợ Kông Chro./.

Thu Thủy, R’Piên


Lượt xem: 115

Trả lời