Chợ Ia Ly và những chuyện buồn (Phần 1)

Cập nhật 12/12/2013, 15:12:32

Chợ Ia Ly huyện Chư Păh khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, quy mô gồm 2 nhà lồng với khoảng 100 điểm kinh doanh cố định. Đây thực sự là chủ trương đúng của tỉnh, huyện trong việc thúc đẩy quá trình giao thương, buôn bán của người dân ở một xã cách khá xa trung tâm như Ia Ly. Tuy nhiên, kể từ sau khi giải tỏa cho đến hôm nay vẫn quá nhiều dư luận trái chiều và kể cả những điều đáng buồn. 

 

Một góc khu chợ Ia Ly, huyện Chư Păh.

 

Sau khá nhiều vụ lùm xùm quanh việc giải tỏa, đền bù thì cuối cùng chợ Ia Ly, huyện Chư Păh cũng được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Nhưng đến thời điểm này vẫn còn không ít điều tiếng, thắc mắc của người dân.

Là người buôn bán tại chợ Ia Ly, Chị Hồ Thị Tuyết Hạnh bộc bạch: Bản thân tôi cũng có 1 lều ở trong chợ đây, xây lên gần 1,5m rồi và vẫn đóng sạp bán hàng khô như thế này nhưng không được hỗ trợ đồng nào. Xong ông chủ tịch xã xuống nói không làm đơn nói gì nữa, khi nào có tiền ông ấy cho 3 triệu. Tôi nói tiền di dời là quyền lợi của chúng tôi, cho gì mà cho. Từ đó đến nay chúng tôi không nhận được tiền hỗ trợ nào hết.

 

Những năm 1990, cùng với việc hình thành nhà máy thủy điện Ia Ly, nhiều người dân đổ về khu vực xã Ia Ly tìm kế sinh nhai. Theo đó, chợ Ia Ly ra đời với hơn 100 hộ kinh doanh, buôn bán khá ổn định. Đến năm 2009, tỉnh có chủ trương xây dựng lại chợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiểu thương nơi đây cũng như tạo động lực để Ia Ly phát triển ngày một mạnh mẽ hơn. Trên tinh thần này, xã Ia Ly ra quyết định thu hồi lại tất cả diện tích đất mà trước đây người dân đã ở để xây chợ và phân lô bán lại cho dân. Và cũng từ đây nảy sinh nhiều bức xúc do chính cách giải quyết không thấu tình đạt lý của chính quyền xã.

 

Một tiểu thương khác ở chợ Ia Ly bức xúc phản ánh: Ông chủ tịch Thành họp và nói với bà con trong chợ là trước mắt bà con cứ di dời đi, 1 viên ngói, 1 viên gạch chúng tôi cũng đền bù hết. Xong một cái họp dân lại ông ấy nói không biết gì hết, tôi không trong ban đền bù nên không biết. Do đó chúng tôi rất bức xúc. Ngày xưa chúng tôi ai cũng có đất trong chợ nhưng khi thu hồi xong giờ đất được cấp cho người khác hết, cán bộ ở hết.

 

Anh Nguyễn Văn Gần – Cũng là tiểu thương chợ Ia Ly nói thêm: Những người không có hộ khẩu trong chợ vẫn được cấp đất như bình thường. Tôi hỏi tại sao lại thế, xã mới nói đấy là những hộ nghèo nên được cấp. Tôi mới nói vậy những người có hộ khẩu trong chợ còn nghèo hơn thế nữa sao không được cấp. Dân mới cho biết, cứ ai muốn cấp phải bỏ 4 triệu cho địa chính thì được cấp. Còn nhiều người khác phải mất 10 đến 15 triệu. Địa chính ăn hết, chia nhau.

 

Qua trao đổi với bà Bùi Thanh Hương, phó chủ tịch UBND xã Ia Ly, trong quá trình làm chợ thì tất cả các khâu quy hoạch, giải tỏa, đền bù đến đấu giá đất thu tiền của dân đều hợp lý, chặt chẽ và hoàn toàn không hề có những dấu hiệu sai phạm cả về tài chính lẫn quy trình.

 

Bà Bùi Thanh Hương – Phó chủ tịch xã Ia Ly – khẳng định: Chủ trương này khi đi vào hoạt động sẽ nâng đời sống của nhân dân lên, bộ mặt thị trấn cũng khang trang thì sẽ đưa cuộc sống người dân vào ổn định hơn. Việc đấu giá thì mọi người cùng đưa ra đấu giá rồi giá ai cao thì được sở hữu khu đất đó. Danh sách đấu giá thì công khai, ai đăng ký thì đưa ra đấu giá, không có 1 cái gì là không đúng với chủ trương.

 

Nhưng  dường như trong điều “hợp lý” ấy vẫn còn khá nhiều điều bất hợp lý. Đó là quá trình đấu giá đất mập mờ với kết quả nhiều lô đất ở vị trí đắc địa rơi vào tay những người không nằm trong diện ưu tiên, trong đó có cả cán bộ xã, công tác hỗ trợ đền bù người có người không và theo kiểu Ban phát và đặc biệt việc “Tiền hậu bất nhất” trong lời hứa của lãnh đạo xã càng khiến lòng tin của người dân ngày một xói mòn.  

 

Trao đổi với chúng tôi Anh Nguyễn Văn Phi – Xã Ia Ly – Chư Păh cho biết ý kiến của mình: Theo cá nhân tôi thì chính quyền địa phương ở đây là làm việc không có mang sự dân chủ, dân chủ ở đây phải để cho người dân bàn bạc và thống nhất với chính quyền địa phương, 2 bên làm việc thống nhất với nhau để đi đến kết quả đẹp. Còn chính quyền địa phương chỉ mang ra chế độ áp đặt, đặt ra để người dân nghe theo, rồi chỉ đạo người dân phải làm thì đó là điều sẽ khiến dư luận bức xúc và kéo dài sự phản đối.

 

Không phải ngẫu nhiên mà người dân ở đây có phản ứng gay gắt và kéo dài trong suốt nhiều năm liên tục như thế. Và vấn đề này liên tục được các cơ quan thông tấn báo chí đề cập nhưng sự việc đến giờ vẫn chưa hề có sự chuyển biến. Hậu quả của những khuất tất trong  xây dựng, giải tỏa, đền bù và đấu giá quyền sử dụng đất ở chợ Ia Ly không chỉ đơn thuần là cơm áo gạo tiền trước mắt mà quan trọng hơn đó là ảnh hưởng đến tương lai, niềm tin của không ít người dân đối với chính quyền sở tại./.

Thu Thủy – Đoàn Bình – Thanh Sáng


Lượt xem: 72

Trả lời