Cần sớm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu

Cập nhật 12/6/2018, 09:06:32

Trước tình hình cây hồ tiêu chết hàng loạt những năm gần đây, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Không có khả năng chi trả, hàng trăm hộ dân phải bỏ xứ đi làm thuê trả nợ. Người dân đang hy vọng ngân hàng sớm có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ia Blứ là xã có diện tích hồ tiêu bị chết nhiều nhất huyện Chư Pưh trong vòng 3 năm qua với trên 400 ha. Tiêu chết, người dân lâm vào cảnh nợ nần, không còn điều kiện phát triển sản xuất. Thống kê cho thấy có trên 1000 hộ trồng tiêu trên địa bàn xã vay vốn tại 7 ngân hàng với số tiền hơn 200 tỷ.

Anh Mai Bá Thành – thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh nói: “Nhiều người đang cầm cự đi làm để trả lãi hàng tháng. Mong muốn ngân hàng khoanh nợ và cho vay thêm để mở rộng chăn nuôi và trồng trọt”.

Ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết: “Bà con hiện tại đi làm ăn để đóng lãi cho các ngân hàng, nhổ các trụ tiêu chết bán đi. Trụ tiêu mua 250 ngàn bán còn 70 ngàn. Chính quyền địa phương rất trăn trở làm thế nào giải quyết vấn đề này. Chính quyền địa phương và một số ngân hàng đã ngồi lại tìm nhiều giải pháp. Hiện chúng tôi thực hiện các bước rà soát thống kê số diện tích, số hộ dân vay vốn, số hộ dân bỏ đi nơi khác qua đây mong Chính phủ có giải pháp thiết thực để nhân dân có cuộc sống ổn định”.

Theo kết quả rà soát của các ngân hàng, trong tổng số 1400 tỷ đồng dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh, có khoảng 500 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại do hồ tiêu chết, chiếm 36%. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có Công văn chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương rà soát để áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Người trồng tiêu đang chờ đợi và hy vọng các ngân hàng sớm triển khai giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay; tiếp tục triển khai cơ chế cho vay mới để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định đời sống./.

Kim Châu, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 42

Trả lời