Cần giải pháp đột phá cho phát triển HTX kiểu mới ở Gia Lai

Cập nhật 16/8/2019, 08:08:53

Nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) chưa đầy đủ cũng như chưa hiểu đúng vai trò, bản chất của HTX trong tình hình hiện nay; nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa đổi mới triệt để, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; mô hình HTX kiểu cũ còn ảnh hưởng nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự phát huy vai trò, chưa hoạt động hiệu quả và chưa huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX…. Đó là những tồn tại, hạn chế làm rào cản cho sự phát triển của mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay. Thực tế cho thấy với nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có; đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân; phát triển HTX kiểu mới ở Gia Lai có thể không thua kém địa phương nào trên cả nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đó là cần những giải pháp, trong đó có cả những đột phá cho mô hình kinh tế tập thể này

Không ít những khó khăn, vướng mắc đối với các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong quá trình hoạt động sản xuất hiện nay; đó là chính sách hỗ trợ HTX về thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay; hỗ trợ về giống, về khoa học kỹ thuật, đăng ký thương hiệu; hỗ trợ để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của HTX,… Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy bên cạnh những hạn chế về cơ chế, chính sách thì còn ở hạn chế trong nội tại của chính các HTX khi mà nguồn nhân lực trong không ít các HTX với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, đặc biệt là Ban kiểm soát HTX còn yếu. Một số HTX có Ban quản trị, Ban Giám đốc năng động thì lại mang dáng dấp HTX theo kiểu hộ gia đình hoặc theo kiểu doanh nghiệp đầu tư; mà chính điều này sẽ không phát huy được đúng bản chất của mô hình HTX.

Tiến sĩ Trần Minh Hải – Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, Bộ NN&PTNT nói: “Chính quyền địa phương hỗ trợ để mà tư vấn đưa một số em có trình độ trẻ đi tham gia quản lý HTX. Đó là chúng ta giúp nâng cao năng lực quản lý HTX. Chính quyền địa phương phải coi HTX như là 1 tổ chức hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Những chương trình trọng điểm của địa phương như là sản xuất liên kết theo chuỗi, chương trình cánh đồng lớn, xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu… thì chúng ta phải lồng ghép HTX vào”.

Đối với vấn đề về nguồn nhân lực cho HTX, tại Kỳ họp Thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI vào đầu tháng 7/2019 cũng đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó có chính sách đặc thù được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ người tốt nghiệp đại học trở lên về làm việc tại HTX nông nghiệp với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật hiện hành cho 01 lao động/01 HTX nông nghiệp trong thời gian tối đa không quá 36 tháng. Bên cạnh đó, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 381 về giao dự toán bổ sung vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2019. Theo đó 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ xây dựng 8 mô hình HTX điểm trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là sự quan tâm, quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế HTX ở địa phương. Còn đối với các HTX, điều đó cũng sẽ làm tiền đề cho sự phát triển.

Ông Lê Văn Bộ – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi hiện nay cũng đang phát triển từng bước 1 vì nguồn lực có hạn, và tôi nghĩ rằng với những hỗ trợ của tỉnh dù ở phương diện nào thì cũng sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho các HTX trong xu thế phát triển hiện nay”.

Gia Lai được đánh giá là địa phương năng động và kịp thời trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến HTX; thế nhưng vẫn còn những hạn chế đối với vấn đề này khi mà các nghị quyết của tỉnh ban hành dường như vẫn chưa thực sự đi vào trong thực tế, chưa đến được với các HTX do các sở chưa có văn bản hướng dẫn nên các huyện vẫn còn đang lúng túng trong triển khai thực hiện. Và nếu làm được điều này, đây sẽ là một đột phá thành công.

Tính đến cuối tháng 7/2019, toàn tỉnh có 227 HTX, trong đó 176 HTX nông nghiệp. Với tiềm năng sẵn có của địa phương, để hỗ trợ cho các HTX phát triển, tại Hội nghị triển khai các mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào đầu tháng 8, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành có liên quan phải vào cuộc, phải triển khai tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành về kinh tế HTX kiểu mới. Ngoài 1 HTX điểm ở thị xã An Khê và 1 mô hình “Nông hội” điểm ở huyện Phú Thiện do tỉnh chỉ đạo; Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn triển khai điểm một HTX và một “Nông hội”; đồng thời chỉ đạo huyện Đăk Pơ xây dựng một mô hình HTX điểm trong ĐBDTTS và thị xã Ayun Pa xây dựng một mô hình “Nông hội” điểm trong ĐBDTTS. Đến cuối năm 2019 sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình; tạo động lực cho phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu của tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới./.

Mỹ Tiến, Xuân Huy


Lượt xem: 45

Trả lời