Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt lạc hậu

Cập nhật 18/9/2017, 08:09:08

Do tập quán sinh hoạt, cộng với điều kiện kinh tế nên hiện nay có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là người Jrai và Bahnar vẫn giữ thói quen nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà hoặc ngay sát nhà ở. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống ở nông thôn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh.

Đi đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ vùng sâu, vùng xa tới cả những làng nằm ở các vùng thuận lợi, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chuồng trại nuôi nhốt gia súc được người dân làm ngay dưới nhà sàn của gia đình hoặc ngay sát nhà ở. Chuồng trại không được quét dọn thường xuyên nên  rất mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Như mới đây ở thị xã Ayun Pa dịch lở mồm long móng bùng phát trên đàn gia súc một phần nguyên nhân cũng chính là do việc nuôi nhốt, chăm sóc vật nuôi của người dân không đảm bảo.

Ông Nay Gat, Buôn Chư Băh B, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: “Mình cũng làm chuồng rồi, giờ bò đang đau nên mình thả ra.  sau này mà con bò mình hết đau thì mình lại nhốt lại đây tiếp”.

Bên cạnh đó thì có nhiều người dân cũng nhận thức được việc nuôi, nhốt gia súc ngay dưới sàn nhà không đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng do hoàn cảnh khó khăn, quỹ đất ở thiếu nên không có điều kiện để di dời chuồng trại ra xa khu vực nhà ở.

Ông Đinh Nhưng, Làng Đê Kơ Jêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Bây giờ heo cũng nằm dười gầm nhà, gà cũng nằm ở dưới, mà giờ tính làm sao đây vì nhà như thế này thì khó lắm; bây giờ Nhà nước phải giúp đỡ, phải họp, vận động để nay mai bớt ô nhiễm hơn, nhất là những lúc trời mưa gió như thế này khổ lắm, trẻ em là đau nhiều nhất”.

Được biết, vừa qua, huyện Phú Thiện đã tiến hành quy hoạch lại khu dân cư ở làng Plei Pông là 1 trong 4 làng khó khăn của xã Chư A Thai. Trong đó, có di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở của người dân nhằm đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Và Phú Thiện là địa phương tiên phong của Gia Lai trong thực hiện vấn đề này.

Thiết nghĩ, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và tập quán sinh hoạt của người dân thì các ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí và bố trí quỹ đất để giúp cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số sắp xếp, quy hoạch lại khu dân cư để đảm bảo được vệ sinh môi trường sống; đồng thời, cũng giúp cho các địa phương thực hiện được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới./.

Đức Hải-  Minh Trí – Huy Toàn


Lượt xem: 156

Trả lời