Cần có biện pháp quyết liệt xử lý nạn thả rông chó để phòng bệnh dại và tai nạn thương tích

Cập nhật 31/3/2023, 16:03:44

Gia Lai hiện có tổng đàn chó lên tới hơn 210.000 con, chủ yếu được thả rông, không được rọ mõm khi thả ra ngoài đường; nguy cơ chó cắn người, sau đó gây tử vong trên người bị cắn do bệnh dại và gây tai nạn thương tích là rất cao, trong khi theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ tiêm phòng dại trên tổng đàn chó trong toàn tỉnh mỗi năm chỉ đạt từ 3 đến 5%. Quyết liệt triển khai các biện pháp để phòng bệnh dại, tai nạn thương tích cũng như xử lý tình trạng chó thả rông đang là vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 36 trường hợp tử vong do bệnh dại; riêng 3 tháng đầu năm 2023 là 3 trường hợp. Gia Lai hiện là địa phương có tỷ lệ người tử vong do bệnh dại nằm trong tốp đầu của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai khuyến cáo: “Ý thức người dân còn xem thường các thú nuôi trong nhà, chưa tiếp cận với y tế sớm nhất để tiêm vắc xin ngừa dại ngay từ đầu. Thứ nhất đó là chủ quan, thứ 2 nữa là tuyên truyền đồng bộ trên toàn tỉnh cũng như toàn quốc thì vẫn còn khá ít, từ đó chưa nâng cao được ý thức người dân.”

Chó được thả rông, không rọ mõm diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thực tế này khiến việc phòng bệnh dại gặp nhiều khó khăn, nguy cơ người dân bị chó cắn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và thậm chí có thể gây chết người. Không những vậy, chó thả rông còn gây ra nhiều vụ tai nạn thương tích đối với người đi đường.

Hơn 2 tháng sau vụ tai nạn giao thông khi tông vào chó thả rông trên đường Lê Thánh Tôn, thành phố Pleiku, bà Nga giờ vẫn còn đau nhức trong người và ám ảnh khi gợi nhắc về vụ tai nạn.

Bà Nguyễn Ngọc Nga – Tổ 6, phường Hội Phú, TP. Pleiku kể lại: “Tông vào chó thì tôi ngã ra, đầu thì nằm phía ngoài đường, xe thì nằm vô trong. Tóm lại khi ngã xuống rồi thì cằm tôi chà xuống dưới đường, thành màu tím luôn; chân thì cũng bầm tím như vậy. Về thì đau nhức, chân tay nhấc lên không nổi luôn.”

Theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 04/2020/NĐ-CP) của Chính phủ, chủ nuôi động vật (chó) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm vắc – xin phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Đối với trường hợp chó cắn chết người, nếu xác minh được việc để chó gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Quy định của pháp luật là rất rõ ràng; song trên thực tế, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm; trong khi lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chưa thực sự mạnh tay để xử lý chủ vật nuôi vi phạm cũng như bắt giữ chó khi thả rông. Việc phòng bệnh dại và tai nạn thương tích đối với người dân vì thế luôn gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Ngọc Nga – Tổ 6, phường Hội Phú, TP. Pleiku nói: “Tôi cũng mong những người có chó thì thứ nhất trong mùa nắng nóng hay phát dại thì chủ nhà nên rọ mõm chó lại. Thứ 2 nữa là những giờ mà người dân đi lại nhiều thì không nên thả chó ra, rất nguy hiểm.

Ông Thái Văn Dũng – Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai khuyến cáo: “Không nuôi chó, mèo thả rông. Khi nuôi phải có kiểm soát, phải có chuồng nuôi nhốt, khu nuôi nhốt. Khi đi ra ngoài phải đeo dây xích, rọ mõm và đặc biệt phải chấp hành tiêm phòng dại cho chó, mèo theo quy định. Thứ 2 nữa là khi bị chó, mèo cắn thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn về quy trình tiêm phòng ngăn ngừa bệnh dại trên người.”

Ông Đỗ Tiến Giang – Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, TP. Pleiku cho biết: “Đề xuất thành phố có sự chỉ đạo chung cho 22 xã, phường có sự ra quân đồng loạt. Đặc biệt là vào thời điểm chuyển giao mùa, nóng nóng hiện nay để làm thế nào cho người dân ý thức được việc chăn nuôi và có chế tài xử lý quyết liệt nếu người dân không chấp hành các biện pháp trong công tác chăn nuôi, nhất là đối với chó thả rông.”

Để phòng, chống bệnh dại; các sở, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc Công điện số 03 /CĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành vào ngày 17.3.2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, thì người dân rất mong các cấp chính quyền cần chỉ đạo thành lập các đội bắt chó thả rông như một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước; nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện và được người dân đồng tình ủng hộ. Chỉ khi quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng chó được thả rông, khi đó mới có thể kiểm soát hiệu quả bệnh dại và phòng tránh tai nạn thương tích đối với người dân

Đoàn Bình – Lệ Xuân – R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời